Kể từ ngày 1/7/2016, 14 Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ được áp dụng, như: Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi không chịu thuế giá trị gia tăng; Quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc hàm; Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân...
14 Luật gồm: 1- Luật điều ước quốc tế; 2- Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; 3- Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; 4- Luật tố tụng hành chính; 5- Luật trưng cầu ý dân; 6- Bộ luật tố tụng dân sự; 7- Luật khí tượng thủy văn; 8- Luật thống kê; 9- Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; 10- Luật an toàn thông tin mạng; 11- Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; 12- Luật an toàn, vệ sinh lao động; 13- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 14- Luật thú y.
Làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện thẩm quyền về điều ước quốc tế
Luật điều ước quốc tế gồm 10 chương, 84 điều. Luật làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực điều ước quốc tế...
Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi không chịu thuế giá trị gia tăng
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bổ sung quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào. Bổ sung quy định dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc hàm
Luật quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng quy định rõ về hạn tuổi phục vụ của QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng. Luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc hàm là: Cấp úy QNCN: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá QNCN, Trung tá QNCN: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
Riêng chức danh chiến đấu viên để đảm bảo đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là đủ 40 tuổi, khi hết hạn tuổi phục vụ thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Luật Tố tụng hành chính
Luật tố tụng hành chính gồm 23 chương, 372 điều quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.
Trưng cầu ý dân: Đủ 18 tuổi trở lên có quyền bỏ phiếu biểu quyết
Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Cụ thể là: “Công dân nước CHXHCN Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này”.
Không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng
Điều 4, Khoản 2 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định.
Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn
Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển, toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam đã được điều chỉnh bằng Luật khí tượng thủy văn. Luật sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội có hiệu quả. Đặc biệt, Luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn bảo đảm công tác phục vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Quy định rõ các hệ thống thông tin thống kê
Luật thống kê quy định rõ các hệ thống thông tin thống kê ở nước ta, bao gồm: Hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê.
Người bị chất vấn không được ủy quyền cho người khác trả lời thay
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trong đó, Luật quy định về chất vấn, theo đó, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có).
Bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng
Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 chương, 54 điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng… Tại Chương II cũng quy định rất rõ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Đó là quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; thu thập và sử dụng thông tin cá nhân; cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.
Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển
Theo phạm vi điều chỉnh, nội dung cơ bản của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo..., trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam như nguyên tắc: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển;...
Luật an toàn, vệ sinh lao động
So với nội dung an toàn, vệ sinh lao động của Bộ luật lao động năm 2012, Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định bao quát và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ; ngoài các quy định về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, còn quy định về tổ chức công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng văn bản pháp luật
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gồm 17 chương, 173 điều) được xây dựng trên cơ sở hợp nhất 2 Luật hiện hành (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004).
Luật bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bổ sung khâu chế biến sản phẩm động vật vào quy trình kiểm soát
Luật Thú y gồm 7 chương, 116 điều. Tại Điều 64 của Luật đã đưa ra các yêu cầu đối với giết mổ động vật để kinh doanh như: Động vật phải khỏe mạnh; có trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát theo quy trình; việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung; trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |