Bộ Tư pháp cho biết, ngày 29/6/2006, Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) ra đời tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ những người dân nghèo, yếu thế trong xã hội. Việc triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác TGPL đã có tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện pháp luật để đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành trong công tác này.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật TGPL trong những năm qua cho thấy một số quy định của Luật TGPL còn hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, các quy định của Luật TGPL chưa thể hiện được bản chất và đặc trưng của dịch vụ TGPL là trách nhiệm xã hội của Nhà nước, do Nhà nước bảo đảm. Trong khi thế giới có sự phân biệt rõ ràng giữa TGPL và dịch vụ pháp lý miễn phí thì ở nước ta chưa có cách hiểu thống nhất, dẫn đến trên thực tiễn chưa có sự phân định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội, theo đó hiệu quả hoạt động các loại dịch vụ này chưa cao. Trong xã hội quan niệm về TGPL chưa được hiểu thống nhất, rõ ràng dẫn đến việc nhầm lẫn giữa hoạt động giúp đỡ pháp luật miễn phí được quy định ở Luật Luật sư với hoạt động TGPL được quy định ở Luật TGPL. Do đó, ngoài những chủ thể được quy định trong Luật TGPL thì trên thực tế còn có một số tổ chức khác cũng đang sử dụng thuật ngữ TGPL để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng khác nhau trong xã hội (như các tổ chức sự nghiệp của Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo ở Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam…).
Bên cạnh đó, quy định về người được TGPL trong Luật chưa bao gồm đầy đủ những người không có điều kiện chi trả cho sự giúp đỡ pháp lý (ví dụ người thuộc hộ cận nghèo). Ngoài ra, diện người được TGPL theo Luật TGPL chưa tương thích với các đối tượng được quy định trong các Luật có liên quan ban hành sau như nạn nhân bị mua bán theo Luật Phòng chống mua, bán người năm 2011; người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi năm 2009 cũng cần đặt ra yêu cầu có sự nghiên cứu để bảo đảm triển khai thống nhất.
Trong bối cảnh hiện nay khi Đảng và Nhà nước đưa ra các chủ trương, chính sách nhằm tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy thì các Trung tâm được thành lập theo Luật TGPL đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Tổ chức bộ máy một số nơi còn khá cồng kềnh, nhiều Chi nhánh thành lập ra nhưng không đủ nguồn lực hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện TGPL nhà nước hiện nay trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phụ thuộc về kinh phí, biên chế, do đó chưa bảo đảm tính độc lập tương đối trong thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, có thể gây ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình trong quá trình thực hiện vụ việc TGPL, nhất là TGPL trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, hành chính, hình sự…
Bộ Tư pháp cũng cho biết, quy định về người thực hiện TGPL còn nhiều bất cập, trong đó có sự chênh lệch về tiêu chuẩn, điều kiện giữa Trợ giúp viên pháp lý và luật sư trong việc tham gia tố tụng và các hình thức TGPL khác. Đối với hình thức tư vấn pháp luật còn có sự chênh lệch giữa luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên TGPL khác nên chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế so với yêu cầu công tác TGPL. Chức danh Trợ giúp viên pháp lý mới được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL nên việc tham gia tố tụng của đội ngũ này còn hạn chế.
Luật TGPL đã có quy định khuyến khích, huy động các tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia thực hiện TGPL nhưng chưa quy định cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức tham gia thực hiện TGPL, biện pháp cụ thể, thiết thực để huy động mạnh mẽ các tổ chức tham gia thực hiện TGPL dẫn đến hiệu quả đa dạng hóa nguồn lực thực hiện TGPL chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu TGPL.
Thêm vào đó, chất lượng và quản lý chất lượng vụ việc TGPL còn nhiều bất cập. Hình ảnh chất lượng dịch vụ TGPL đối với xã hội chưa cao. Trong thực tế, chất lượng một số vụ việc tham gia tố tụng còn yếu kém, chưa có nhiều vụ việc tố tụng hình sự có người thực hiện TGPL tham gia từ giai đoạn điều tra; việc thực hiện TGPL trong tố tụng hành chính còn khá hạn chế.
Ngân sách cấp cho hoạt động TGPL theo phân cấp chưa đồng đều và ổn định, do phụ thuộc vào nguồn ngân sách của địa phương và nhận thức về vị trí, vai trò của công tác này đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hơn nữa, kinh phí được cấp cho công tác này chưa tính đến yếu tố nhu cầu TGPL của người dân, do đó ở một số địa phương kinh phí được bố trí chưa hợp lý để công tác này phát triển bền vững.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đã đề xuất xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động TGPL. Dự thảo gồm 8 chương, 51 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; phạm vi, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp…
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |