Đề xuất quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý để bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; tổ chức trong nước và nước ngoài hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, hội nhập quốc tế trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Bộ Tư pháp cho biết,Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước(TNBTCNN) được Quốc hội khoá XII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010. Đây là lần đầu tiên trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định trong một đạo luật. Đến nay, sau hơn 6 năm thi hành, Luật TNBTCNN đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, Luật còn là cơ chế hiệu quả để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực nhà nước, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung.

Từ ngày 1/1/2010 đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết xong 204 vụ việc yêu cầu bồi thường, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 111.149.416.000 đồng. Việc bảo đảm quyền được bồi thường của người dân đã được thực hiện nghiêm túc hơn, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trước công dân, góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Luật TNBTCNN cơ bản đã đạt được mục đích khi được Quốc hội thông qua lần đầu, hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của mình trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật TNBTCNN còn nhiều hạn chế, bất cập.

Cụ thể, Luật TNBTCNN hiện hành chưa cụ thể hóa các quyền dân sự để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không còn phù hợp, đồng bộ, thiếu tính thống nhất với các bộ luật, luật có liên quan được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Luật TNBTCNN chưa dự liệu hết các khoản thiệt hại được bồi thường trong thực tế nên chưa quy định đầy đủ các khoản thiệt hại phải bồi thường. Một số thiệt hại được bồi thường chưa được lượng hóa, do đó thiếu căn cứ xác định mức bồi thường, gây khó khăn cho quá trình thương lượng, giải quyết bồi thường.

Bên cạnh đó, Luật TNBTCNN quy định về cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ nên có rất nhiều cơ quan giải quyết bồi thường (từ cấp xã đến cấp trung ương) dẫn tới: việc giải quyết bồi thường không thống nhất; khó bố trí nguồn nhân lực và các điều kiện khác để triển khai thi hành Luật một cách hiệu quả, chuyên nghiệp; việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường để yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức gặp khó khăn. Tồn tại hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết bồi thường của các cơ quan có trách nhiệm bồi thường; còn tâm lý cho rằng việc giải quyết bồi thường là thiếu khách quan, thiếu công bằng, dẫn đến chưa có sự tin tưởng, hợp tác của cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết bồi thường. Do đó, số lượng vụ việc thụ lý trong thời gian qua là không nhiều và kết quả giải quyết bồi thường còn hạn chế....

Theo Bộ Tư pháp, những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Luật TNBTCNN; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền được bồi thường của người dân qua đó thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Do đó, việc sửa đổi toàn diện Luật TNBTCNN là rất cần thiết và cấp bách.

Bộ Tư pháp đã dự thảo Luật TNBTCNN gồm 10 chương, 101 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về: Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thiệt hại được bồi thường; cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan gây thiệt hại; thủ tục giải quyết bồi thường...

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

 


 

Đang truy cập: 50
Trong ngày: 230
Trong tuần: 1065
Lượt truy cập: 1592385
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com