Quy định về khai thác chính và tận thu lâm sản

Từ ngày 15/8/2016, việc khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư 21/2016/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành.

Thông tư này quy định khai thác chính và tận dụng, tận thu gỗ, lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên, rừng trồng và các loài thực vật trên diện tích ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp có tên trùng với các loài gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Thông tư nêu rõ tiêu chí rừng đưa vào khai thác chính và tận dụng, tận thu gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Theo đó, diện tích rừng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho thuê, giao quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.

Đồng thời đảm bảo thực hiện các biện pháp tái sinh rừng, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và khả năng phòng hộ của rừng, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Khai thác chính gỗ rừng tự nhiên

Thông tư nêu rõ khai thác chính gỗ rừng tự nhiên chỉ thực hiện đối với chủ rừng có phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của nhà nước, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Về đối tượng rừng khai thác, Thông tư nêu rõ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa qua khai thác hoặc đã qua khai thác đã phục hồi tối thiểu một luân kỳ khai thác đáp ứng các tiêu chí sau: Trữ lượng gỗ phải đạt: Rừng lá rộng thường xanh từ 150 m3/ha trở lên; rừng gỗ lá rộng nửa rụng lá từ 130 m3/ha trở lên; rừng hỗn giao gỗ với tre nứa từ 80 m3/ha trở lên. Trữ lượng của các cây đạt cấp kính khai thác trong lô phải lớn hơn 30% tổng trữ lượng rừng của lô đó.

Về trình tự, thủ tục cấp phép khai thác, chủ rừng tự xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ thiết kế khai thác theo hướng dẫn tại Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên, gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông để phê duyệt và cấp phép khai thác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông viết và trả giấy biên nhận hồ sơ cho chủ rừng.

Hồ sơ gồm: Giấy đề nghị cấp phép khai thác; Hồ sơ thiết kế khai thác; phương án quản lý rừng bền vững; Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ và các hồ sơ khác có liên quan.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu chưa hợp lệ cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho chủ rừng biết để bổ sung theo quy định.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồ sơ, cấp phép khai thác và trả kết quả cho chủ rừng.

Chủ rừng tổ chức khai thác hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng khai thác theo quy trình kỹ thuật khai thác tác động thấp. Sau khai thác chủ rừng phải thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu rừng để phục hồi diện tích rừng theo quy định của nhà nước.

Thông tư cũng quy định rõ về khai thác chính, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng trong rừng sản xuất, rừng phòng hộ; khai thác và tận dụng, tận thu lâm sản ngoài gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm và loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật trong rừng sản xuất, rừng phòng hộ; khai thác, tận dụng, tận thu lâm sản ngoài gỗ không thuộc loài nguy cấp quý, hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/8/2016.


 

Đang truy cập: 30
Trong ngày: 189
Trong tuần: 1037
Lượt truy cập: 1592328
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com