Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 1.      HƯỚNG DẪN THANH TOÁN TIỀN CHÊNH LỆCH THUÊ NHÀ Ở CÔNG VỤ

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 124/2016/TT-BTC ngày 03/08/2016 hướng dẫn về quản lý số tiền thu được từ cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; thanh toán tiền chênh lệch khi thuê nhà ở công vụ và quản lý tiền thu được từ cho thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Theo quy định tại Thông tư này, trường hợp thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ mà tiền thuê nhà ở thương mại cao hơn số tiền thuê do người thuê phải trả thì người thuê phải trả tiền thuê nhà tối đa bằng 10% tiền lương đang được hưởng tại thời điểm thuê nhà ở công vụ.

Cũng theo Thông tư này, cơ quan quản lý cán bộ đủ tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ phải có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà ở công vụ để xác định số tiền thuê nhà ở công vụ phải trả và xác định phần chênh lệch giữa số tiền thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ và số tiền người thuê nhà phải trả, số tiền ngân sách Nhà nước chi trả cho phần chênh lệch theo quy định để xây dựng và đưa vào dự toán chi tiêu hàng năm của đơn vị. Phần tiền chênh lệch này được chi trả hàng tháng dựa trên dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thời điểm Nhà nước thanh toán tiền lương và được thực hiện quyết toán cùng với quyết toán chung của đơn vị.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/09/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 2.      ĐIỀU TRỊ BỆNH SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH Ở TRẺ TỪ 0 - 6 TUỔI

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi đã được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 4487/QĐ-BYT ngày 18/08/2016.

Bệnh suy dinh dưỡng cấp tính là tình trạng bệnh lý mà cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu do cung cấp thiếu hoặc do bệnh lý, gây tình trạng trẻ bị giảm cân nhanh (gầy mòn) hoặc bị phù. Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng có thể có dấu hiệu bị phù dinh dưỡng, hay gặp kèm theo rối loạn tiêu hóa, viêm phổi, rối loạn sắc tố da hoặc mất hết lớp mỡ dưới da ở mặt, mông, chi, gày đét, mặt hốc hác, mắt trũng, da khô nhăn nheo, có thể mất cảm giác thèm ăn… Nguy cơ tử vong của trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng hơn từ 05 - 20 lần so với trẻ bình thường và có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở trẻ hoặc có thể đóng vai trò gián tiếp làm tăng nhanh nguy cơ tử vong ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi.

Việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính sẽ được thực hiện dựa trên tình trạng lâm sàng và nhân trắc của trẻ, bao gồm: Điều trị nội trú; Điều trị ngoại trú và Điều trị duy trì/dự phòng. Theo đó, trẻ suy dinh dưỡng cấp tính có biến chứng được điều trị nội trú ở bệnh viện đến khi hết biến chứng (thường trong 01 tuần), sau đó được chuyển về y tế cơ sở để tiếp tục điều trị ngoại trú. Khi đạt tiêu chuẩn xuất khỏi điều trị ngoại trú (thường từ 06 - 10 tuần), trẻ sẽ được chuyển sang điều trị duy trì/dự phòng trong thời gian từ 02 - 04 tháng. Đặc biệt, tất cả trẻ dưới 06 tháng tuổi bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính đều cần phải nhập viện và điều trị nội trú.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 3.      TRIỂN KHAI GIÁ KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT GỒM CHI PHÍ TIỀN LƯƠNG

Công văn số 6197/BYT-KH-TC về việc triển khai thực hiện mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC đã được Bộ Y tế ban hành ngày 15/08/2016; áp dụng đối với 16 tỉnh, thành phố thực hiện mức giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gồm cả chi phí tiền lương, gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn.

Theo hướng dẫn của Công văn này, các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc 16 tỉnh, thành phố nêu trên có trách nhiệm niêm yết công khai, thông báo rộng rãi việc áp dụng giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới; đẩy mạnh việc tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và đồng thuận; chịu trách nhiệm giải quyết, xin ý kiến các cơ quan quản lý trong trường hợp vượt thẩm quyền để giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình thực hiện. Đối với người bệnh đang có đợt điều trị ngoại trú hoặc nội trú, bắt đầu trước và kết thúc sau ngày thực hiện mức giá mới này vẫn tiếp tục được áp dụng mức giá hiện đang thực hiện cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, thành phố trích một phần chênh lệch thu lớn hơn chi vào Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh; xây dựng, bổ sung Quy chế hỗ trợ của Quỹ trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị để hỗ trợ trong trường hợp người bệnh có chi phí điều trị lớn và không có khả năng chi trả. UBND tỉnh có trách nhiệm xem xét, quyết định để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh trong các trường hợp thiên tai, thảm họa để giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 4.      CẤP PHÉP CHO GIÁO VIÊN NƯỚC NGOÀI DẠY TẠI TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Đây là nội dung đáng chú ý tại Công văn số 1493/TTg-KGVX ngày 19/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện Nghị định số 11/2016/NĐ-CP.

Tại Công văn, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cấp Giấy phép lao động đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, để được cấp phép giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên người nước ngoài ít nhất phải có trình độ đại học sư phạm hoặc có trình độ đại học và có chứng chỉ sư phạm hoặc chứng chỉ giảng dạy giáo dục phổ thông.

  1. TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ

Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 15/08/2016 kèm theo Quyết định số 2805/QĐ-BGDĐT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số đến trường học; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số.

Đề án được thực hiện đến năm 2025 với 19 nhiệm vụ chính, như: Rà soát đầu tư xây dựng, mua sắm, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp, trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương; Ban hành các cơ chế chính sách của địa phương; Thiết kế và triển khai các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ cho cha, mẹ trẻ và cộng đồng trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em; Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt…

Dự kiến, giai đoạn 2016 - 2018, sẽ triển khai mô hình thí điểm tăng cường tiếng Việt; đặc biệt, sẽ đưa nội dung giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 6.      TIẾP TỤC THÍ ĐIỂM DẠY BƠI CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

Ngày 15/08/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Công văn số 3988/BGDĐT-CTHSSV về việc tăng cường triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông đầu năm học 2016 - 2017; trong đó yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thí điểm dạy bơi cho học sinh tiểu học và tuyên truyền, giáo dục phương pháp phòng, chống đuối nước và mặc áo phao khi đi các phương tiện giao thông đường thủy cho học sinh.

Đồng thời, tổ chức họp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; tổ chức cho học sinh ký cam kết nghiêm túc thực hiện việc điều khiển xe gắn máy và các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người theo quy định và không dàn hàng hai, hàng ba khi tham gia giao thông.

Các trường đại học, học viện và cao đẳng có trách nhiệm quán triệt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm và tuân thủ quy tắc giao thông; các trường (khoa) sư phạm tiếp tục nghiên cứu, đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy chính khóa…

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. 7.      CƠ SỞ KINH DOANH GIÁM ĐỊNH CỔ VẬT PHẢI CÓ TỪ 3 CHUYÊN GIA GIÁM ĐỊNH

Đây là một trong những điều kiện đối với cơ sở kinh doanh giám định cổ vật tại Quyết định số 2881/QĐ-BVHTTDL ngày 17/08/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành/thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực di sản văn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cụ thể, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, ngoài việc phải có ít nhất 03 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ sở kinh doanh giám định cổ vật còn phải có kho lưu giữ, bảo quản hiện vật giám định; có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký và có nguồn tài liệu về cổ vật để tham khảo, phục vụ hoạt động giám định cổ vật.

Cũng theo Quyết định này, chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích chỉ được cấp cho cá nhân có chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng, đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích (đối với chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích); có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hoặc có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành xây dựng, đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích (với chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích) hoặc có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình và đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích (đối với chứng chỉ hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích)…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách:

  1. 8.      TẬP TRUNG KIỂM TRA CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiến độ thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 16/08/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 của Chính phủ.

Theo đó, trên cơ sở xác định rõ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết và đánh giá chính xác, cụ thể thực tiễn, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đoàn kiểm tra, mời đại diện các Bộ, ngành liên quan tham gia đoàn kiểm tra.

Nội dung kiểm tra bao gồm tình hình và kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp, bảo đảm giảm ít nhất 10%/năm về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; việc thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 9.      ĐẾN 2020, 50% XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

Ngày 16/08/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Chương trình được thực hiện từ năm 2016 đến hết năm 2020 tại các xã trên phạm vi cả nước nhằm mục tiêu đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Thủ tướng đã đề ra một số giải pháp cơ bản.

Cụ thể như: Xây dựng, ban hành chính sách đối với các vùng đặc thù, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình, từ năm 2017, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước cho tất cả các xã để thực hiện công tác quy hoạch, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng và đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

10. HỖ TRỢ KHẮC PHỤC THIỆT HẠI DO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TP.HCM

Theo Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 13/08/2016 ban hành Quy định về chính sách và mức hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn TP.HCM, hộ gia đình, cá nhân mất cả nhà và đất ở do thiên tai gây ra sẽ được hỗ trợ di dời với mức hỗ trợ tối đa là 25 triệu đồng/hộ nếu di dời ngoài Thành phố; di dời trong cùng quận - huyện, mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/hộ; di dời trong Thành phố, ngoài quận - huyện đã cư trú trước đó, mức hỗ trợ là 23 triệu đồng/hộ.

Trường hợp nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng có mức thiệt hại trên 70%, mức hỗ trợ khắc phục thiệt hại lên đến 20 triệu đồng/hộ; thiệt hại từ 30% - 70%, mức hỗ trợ dao động từ 03 - 15 triệu đồng/hộ. Đối với hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai gây ra, mức hỗ trợ chi phí mai táng là 7,6 triệu đồng/người; nếu bị thương nặng, mức hỗ trợ là 3,8 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng có quy định về trợ giúp cứu đói cho người bị ảnh hưởng do thiên tai. Cụ thể, hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian từ 01 - 03 tháng đối với hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại một phần nhà ở, đất ở, phương tiện sản xuất do thiên tai gây ra; trường hợp bị mất hết nhà ở, đất ở, phương tiện sản xuất, mức hỗ trợ là 30kg gạo/người/tháng trong thời gian 12 tháng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/08/2016.


 

Đang truy cập: 21
Trong ngày: 74
Trong tuần: 796
Lượt truy cập: 1579532
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com