Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÍ

Ngày 23/08/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Theo quy định tại Nghị định này, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách Nhà nước; trường hợp cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ quy định, phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước.

Trong đó, các cơ quan được khoán chi phí hoạt động bao gồm: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước; Cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý Nhà nước được thu phí theo quy định.

Cũng theo Nghị định này, hàng năm tổ chức thu phí phải quyết toán thu, chi theo quy định. Với số thu từ phí, lệ phí năm 2016, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện quyết toán theo quy định của Pháp lệnh Phí và lệ phí và quy định của pháp luật về quản lý thuế; sau khi quyết toán, số tiền phí, lệ phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; từ ngày 01/01/2018, số tiền lệ phí còn dư phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 2.      THÍ ĐIỂM QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG VỚI VIETTEL

Nghị định số 121/2016/NĐ-CP về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ ban hành ngày 24/08/2016.

Theo Nghị định này, Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổng công ty và công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải rà soát lại cơ cấu tổ chức, định mức lao động, xác định các vị trí chức danh công việc để đảm bảo tuyển dụng, sử dụng lao động hiệu quả. Hàng năm, xây dựng kế hoạch lao động làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện kế hoạch.

Về tiền lương, Nghị định cho phép Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông quân đội được giao ổn định đơn giá tiền lương trong giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện bình quân của giai đoạn 2011 - 2015 khi đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao; nộp ngân sách Nhà nước theo quy định; mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện hàng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề ít nhất 3%.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2016; các quy định nêu trên được thực hiện từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2020.

Đất đai-Nhà ở:

  1. 3.      TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ VI PHẠM VỀ ĐẤT ĐAI

Nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai; góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật đất đai, ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên phạm vi cả nước, ngày 29/08/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1675/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020.

Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước, từ tháng 01/2016 - 12/2020 với các nội dung như: Tăng cường năng lực cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành về đất đai; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai; tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

Cụ thể như: Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra đất đai, trang bị các thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác thanh tra; Công bố địa chỉ tiếp nhận, hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của cả cơ quan, cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai theo phân cấp và người sử dụng đất; Đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, trọng tâm là các quy định về thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai và các quy định khác có liên quan đến nội dung thanh tra theo Đề án.

Về tổ chức thanh tra, Thủ tướng khẳng định mỗi năm sẽ thực hiện thanh tra với một nhóm đối tượng nhất định. Theo đó, năm 2016 sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND các cấp huyện, xã trên phạm vi cả nước; năm 2017, thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai ở các cấp; năm 2018, tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; năm 2019 thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp và năm 2020, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thương  mại:

  1. 4.      HÀ NỘI: ƯU ĐÃI CHO DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN BÌNH ỔN GIÁ

Ngày 23/08/2016, Kế hoạch số 157/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2016 được UBND TP.Hà Nội ban hành, trong đó quy định nhiều ưu đãi đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia chương trình này.

Cụ thể, doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu được kết nối vay vốn từ gói lãi suất ưu đãi của các tổ chức tín dụng nhằm thực hiện đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển điểm bán và thực hiện tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng ra thị trường đầy đủ; được hỗ trợ thông tin tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm và các điểm bán hàng bình ổn giá; được ưu tiên giới thiệu đưa hàng hóa vào bếp ăn tập thể trong trường học, bệnh viện, khu công nghiệp; được tạo điều kiện cấp phép cho xe chở hàng vào thành phố vào giờ cao điểm, đường cấm để vận chuyển, phân phối hàng hóa đến các siêu thị, mạng lưới bán lẻ…

Để được hưởng các ưu đãi nêu trên, doanh nghiệp phải có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất và kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong Chương trình; có trụ sở chính, văn phòng, chi nhánh đang sản xuất, kinh doanh tại TP.Hà Nội; cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia Chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm; các doanh nghiệp phân phối phải có ít nhất 03 điểm bán cố định, các doanh nghiệp sản xuất phải đưa hàng vào ít nhất 03 điểm bán lẻ hoạt động ổn định trên địa bàn thành phố.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 5.      BỊ TAI BIẾN DO TIÊM CHỦNG, ĐƯỢC BỒI THƯỜNG 30 THÁNG LƯƠNG

Theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, Nhà nước sẽ bồi thường cho người bị tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc bị tử vong khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch.

Cụ thể, mức bồi thường với thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến khuyết tật là 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc giảm sút. Trường hợp bị thiệt hại đến tính mạng, mức bồi thường bao gồm các chi phí do phải khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong; chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc giảm sút; đồng thời, thân nhân của người bị tử vong được nhận 100 triệu đồng bù đắp tổn thất về tinh thần.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định rõ ràng về điều kiện đối với cơ sở tiêm chủng. Theo đó, cơ sở tiêm chủng cố định phải có khu vực thực hiện tư vấn, khám sàng lọc với diện tích tối thiểu 08m2; khu vực thực hiện tiêm chủng với diện tích ít nhất 08m2; khu vực theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng có diện tích tối thiểu 15m2; có tối thiểu 03 nhân viên chuyên ngành y, trong đó ít nhất 01 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Xuất nhập khẩu:

  1. 6.      CUNG CẤP THÔNG TIN TỜ KHAI HẢI QUAN ĐIỆN TỬ

Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/08/2016 kèm theo Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg.

Theo Quy chế, thông tin tờ khai hải quan điện tử sẽ được Cổng thông tin hải quan phản hồi cho bên sử dụng thông tin trong thời gian không quá 01 phút kể từ khi nhận được yêu cầu. Trường hợp hệ thống gặp sự cố hoặc không có thông tin tờ khai, bên sử dụng thông tin cũng sẽ được phản hồi trong thời gian không quá 01 phút.

Để sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử, bên sử dụng phải phân công đầu mối đăng ký sử dụng và thông báo cho Tổng cục Hải quan bằng văn bản. Tài khoản có thời hạn sử dụng là 24 tháng hoặc theo thời gian do bên sử dụng thông tin đề nghị, tối đa là 24 tháng. Trước thời điểm hết thời hạn sử dụng 30 ngày, Tổng cục

Hải quan có trách nhiệm thông báo tới từng cá nhân đăng ký tài khoản hoặc đăng ký sử dụng hình thức nhắn tin về việc chuẩn bị hết thời hạn sử dụng; việc thông báo được thực hiện dưới hình thức thư điện tử hoặc tin nhắn từ các địa chỉ, số điện thoại do Tổng cục Hải quan công bố chính thức. Trường hợp phát hiện sử dụng thông tin tờ khai hải quan không đúng nguyên tắc quy định hoặc tài khoản hoặc số điện thoại di động không thực hiện tra cứu thông tin trong 06 tháng, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thu hồi tài khoản hoặc thu hồi hiệu lực sử dụng hình thức nhắn tin của số điện thoại di động.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016.

  1. 7.      HẠN NGẠCH NHẬP KHẨU THUỐC LÁ NGUYÊN LIỆU TỪ EEU LÀ 500 TẤN

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 16/2016/TT-BCT ngày 19/08/2016 của Bộ Công Thương quy định việc áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) năm 2016.

Cụ thể, năm 2016, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm gồm trứng chim và trứng gia cầm, nguyên vỏ, sống, đã bảo quản hoặc đã làm chín từ các nước thành viên của EEU là 8.000 tá; hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu (gồm lá thuốc lá chưa chế biến, phế liệu lá thuốc lá) là 500 tấn.

Trong đó, hàng hóa nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên thuộc EEU cấp. Riêng đối với thuốc lá nguyên liệu, thương nhân Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp; số lượng nhập khẩu tính trừ vào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo Giấy phép do Bộ Công Thương cấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2016 đến hết ngày 31/12/2016.

An ninh-Trật tự:

  1. 8.      ĐẾN 2020, HÀ NỘI CÓ KHÔNG QUÁ 3 CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY BẮT BUỘC

Ngày 18/08/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1640/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; trong đó nhấn mạnh tới mục tiêu giảm số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện tự nguyện…

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020, giảm số lượng cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc trong quy hoạch xuống còn 71 cơ sở; Hà Nội chỉ còn duy trì tối đa không quá 03 cơ sở và TP.HCM duy trì tối đa không quá 05 cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại duy trì 01 cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đồng thời, phấn đấu thành lập tối thiểu 30 cơ sở cai nghiện tự nguyện dân lập; nâng cấp 140 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế  thành cơ sở cai nghiện tự nguyện; tăng số người nghiện ma túy tham gia Chương trình cai nghiện tự nguyện lên khoảng 200.000 người; tiếp nhận người cai nghiện theo cơ chế không phân biệt nơi cơ trú của người nghiện ma túy…

Bên cạnh đó, thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế, dạy nghề, xử lý môi trường, trang thiết bị phục vụ công tác tư vấn, truyền thông cho người nghiện ma túy để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với quan điểm về nghiện và khoa học về điều trị, cai nghiện mới…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hành chính:

  1. 9.      TỔ CHỨC TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2017

Theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/08/2016 về tổ chức tổng điều tra kinh tế năm 2017, cuộc tổng điều tra này sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập những thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế, cơ quan hành chính, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo… được cấp Giấy phép hoạt động tại Việt Nam, phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cuộc tổng điều tra được tiến hành theo 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 01/03/2017 - 30/05/2017, tập trung thu thập các thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể, hiệp hội; tổ chức phi Chính phủ.

Giai đoạn 2 từ 01/07/2017 - 30/07/2017, thực hiện thu thập thông tin về cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Số liệu sơ bộ công bố vào tháng 12/2017 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào quý III năm 2018.

Việc điều tra sẽ tập trung vào các nội dung như: Thông tin chung về cơ sở; Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; Thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp; Thông tin chuyên đề về doanh nghiệp…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

10. KHÔNG XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH TUỔI CỦA ĐẢNG VIÊN

Tại Công văn số 7066/VPCP-TCCV ngày 25/08/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc xác định tuổi của đảng viên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên, kể từ ngày 18/08/2016.

Theo đó, từ thời điểm này, thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

11. CHÍNH SÁCH BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG VEN BIỂN

Có hiệu lực từ ngày 10/10/2016, Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23/08/2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, quy định tổ chức kinh tế đầu tư bảo vệ, phát triển rừng ven biển sẽ được miễn tiền thuê rừng ven biển; thời gian miễn tiền thuê rừng phụ thuộc vào thời điểm thuê rừng.

Ngoài ra, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển còn được hưởng toàn bộ sản phẩm từ nguồn vốn tự đầu tư; được phát triển các thương hiệu sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc từ môi trường rừng và hệ sinh thái rừng ven biển; được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư theo quy định khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khẳng định ngân sách Trung ương sẽ bảo đảm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ven biển. Trong đó, mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 04 triệu đồng/ha trong thời gian 05 năm (bình quân 800.000 đồng/ha/năm); kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái tự nhiên 50.000 đồng/ha, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán…


 

Đang truy cập: 29
Trong ngày: 83
Trong tuần: 805
Lượt truy cập: 1579542
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com