Đề xuất mới về chức năng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; tiền lương của người làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên; làm thường trực công tác cải cách hành chính nhà nước và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. 

Trong đó, về quản lý biên chế, tinh giản biên chế, dự thảo kế thừa và bổ sung nhiệm vụ về tinh giản biên chế, về quản lý biên chế sự nghiệp để phù hợp với quy định của Chính phủ về thực hiện chính sách tinh giản biên chế, về quản lý biên chế sự nghiệp. Cụ thể, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ quyết định giao biên chế công chức, biên chế làm việc ở nước ngoài của tổ chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và biên chế công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức nhà nước hàng năm; Bổ sung biên chế công chức cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong tổng biên chế dự phòng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Giao biên chế làm việc ở nước ngoài cho tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ và biên chế công chức các tổ chức hội có sử dụng biên chế nhà nước sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Nội vụ có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về biên chế công chức, số lượng viên chức, tinh giản biên chế của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trong phạm vi cả nước; Thẩm tra về đối tượng tinh giản biên chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Thẩm định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về chính sách tiền lương, dự thảo kế thừa và bổ sung thêm nội dung: Bộ Nội vụ có nhiệm vụ thẩm định các dự thảo Nghị định của Chính phủ có nội dung liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp, các khoản chi có tính chất lương; thẩm định các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị, trong đó có nội dung về chi tiền lương. 

Bộ Nội vụ cho biết, việc bổ sung này để tránh tạo ra sự chênh lệch về tiền lương và thu nhập giữa các ngành, nghề, đảm bảo tính tương quan chung về tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ cấu tổ chức

Về Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Dự thảo đề xuất 2 phương án. 

Phương án 1: Bộ trưởng Bộ Nội vụ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ Nội vụ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Phương án 2: Quy định như Phương án 1, nhưng bỏ nội dung “Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (nhiệm vụ này vẫn do Thứ trưởng, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đảm nhiệm)”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Thứ trưởng Bộ Nội vụ không kiêm người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, trừ trường hợp đặc biệt. Bộ Nội vụ có không quá 05 Thứ trưởng, trừ trường hợp đặc biệt được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm bằng văn bản để thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ.

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ có các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Vụ Tổ chức- Biên chế; Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Công chức - Viên chức; Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Vụ Tiền lương; Vụ Tổ chức phi chính phủ; Vụ Cải cách hành chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Tổng hợp; Vụ Công tác thanh niên; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ.

Các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ gồm: Học viện Hành chính Quốc gia; Viện Khoa học tổ chức nhà nước; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Tạp chí Tổ chức nhà nước; Trung tâm Thông tin; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 13
Trong ngày: 248
Trong tuần: 1340
Lượt truy cập: 1593552
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com