Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      GIẢM 50% THUẾ SUẤT VỚI LÚA, GẠO NHẬP KHẨU TỪ LÀO

Ngày 01/09/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2016/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Theo đó, từ ngày 01/09/2016, các mặt hàng trứng chim và trứng gia cầm, nguyên vỏ, sống, đã bảo quản hoặc đã làm chín; đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn và lúa gạo, gồm thóc, gạo lứt, gạo Thai Hom Mali có xuất xứ từ Lào sẽ được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA (thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) khi nhập khẩu vào Việt Nam. Để được giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu, các mặt hàng nêu trên phải được nhập khẩu và vận chuyển thẳng từ Lào vào Việt Nam; phải đáp ứng các quy định hiện hành về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam - Lào theo quy định và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm đối với một số mặt hàng có xuất xứ từ Lào. Cụ thể, hạn ngạch nhập khẩu lá thuốc lá gồm lá thuốc lá chưa tước cọng; đã tước cọng một phần hoặc toàn bộ, phế liệu lá thuốc lá là 3.000 tấn mỗi năm; đối với thóc và gạo lứt, hạn ngạch nhập khẩu hàng năm là 70.000 tấn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016 đến ngày 03/10/2020.

  1. 2.      ÁP THUẾ SUẤT THUẾ NHẬP KHẨU 0% VỚI NHIỀU MẶT HÀNG ĐIỆN TỬ CỦA NHẬT

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 125/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế giai đoạn 2016 - 2019.

Cụ thể, từ 01/09/2016 đến 31/03/2019, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% được áp dụng với nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Nhật Bản như: Máy in sử dụng các bộ phận in như khuôn in (bát chữ), trục lăn và các bộ phận in khác của nhóm 84.42; Máy in khác, máy copy và máy fax, có hoặc không kết hợp với nhau; Máy giặt khô; Máy tính và các máy ghi, tái tạo và hiển thị dữ liệu loại bỏ túi có chức năng tính toán; Máy kế toán; Máy đóng dấu bưu phí, máy bán vé và các loại máy tương tự, có gắn bộ phận tính toán; Máy tính tiền; Máy xử lý dữ liệu tự động và các khối chức năng của chúng; Đầu đọc từ tính hay đầu đọc quang học, máy truyền dữ liệu lên các phương tiện truyền dữ liệu dưới dạng mã hóa và máy xử lý những dữ liệu này, chưa được chi tiết hay ghi ở nơi khác; Ổ đĩa mềm, ổ đĩa cứng, ổ đĩa quang; Máy bán hàng tự động, kể cả máy đổi tiền; Bộ điện thoại, kể cả điện thoại cho mạng di động tế bào hoặc mạng không dây khác…

Để được áp mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi nêu trên, hàng hóa nhập khẩu phải thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo quy định; được nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam; được vận chuyển trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam và đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu JV do Bộ Công Thương quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016.

  1. NHIỀU MẶT HÀNG NHẬP KHẨU TỪ THÁI LAN, SINGAPORE ĐƯỢC ÁP THUẾ SUẤT 0%

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2016 - 2018 đã được Chính phủ ban hành ngày 01/09/2016 kèm theo Nghị định số 126/2016/NĐ-CP.

Theo Nghị định, hàng hóa nhập khẩu thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ như: Bru-nây, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Mi-an-ma, Phi-líp-pin, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam (với hàng từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước); được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu nêu trên và đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu AI do Bộ Công Thương quy định sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Trong đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% sẽ được áp dụng từ năm 2016 - 2018 với động vật sống loại thuần chủng để nhân giống; phân bón nguồn gốc chỉ thực vật; giấy bạc (tiền giấy), hợp pháp nhưng chưa đưa vào lưu thông; lông cừu đã xén; xơ bông, chưa chải thô hoặc chưa chải kỹ; gai dầu, dạng nguyên liệu thô hoặc đã ngâm; đồng tinh luyện và hợp kim đồng, chưa gia công; phế liệu và mảnh vụn chì; máy rót, đóng kín, đóng nắp, làm kín hoặc dán nhãn vào các chai, lon, hộp, túi hoặc đồ chứa khác; máy bọc chai, lọ, ống và các đồ chứa tương tự; máy nạp ga cho đồ uống; máy tự động để chuyên chở, kẹp giữ và bảo quản tấm mạch in, tấm mạch dây in hoặc tấm mạch in đã lắp ráp; máy đầm; máy ủi đất lưỡi thẳng và máy ủi đất lưỡi nghiêng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 4.      ĐẾN 2020, 70% DÂN SỐ TRƯỞNG THÀNH CÓ TÀI KHOẢN THANH TOÁN

Ngày 05/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.

Tại Đề án, Thủ tướng khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng đại lý hoạt động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp tập trung, phù hợp với nhu cầu kinh tế tại địa phương và định hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng; khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công nghệ hiện đại để tạo kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng từ xa như phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển dịch vụ ngân hàng dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông. Các ngân hàng có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp lại việc bố trí, lắp đặt hệ thống máy ATM, POS ở những nơi điều kiện cho phép như bệnh viện, cửa hàng, siêu thị, các trung tâm huyện, xã phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân; chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống thanh toán thẻ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi sử dụng dịch vụ về thẻ.

Dự kiến đến năm 2020, 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng; tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt khoảng 15%; khoảng 35 - 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; khoảng 50 - 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng; tăng gấp 02 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thương mại:

  1. HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH VỤ VIỆC PHÁ SẢN CÓ TÍNH CHẤT PHỨC TẠP

Theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/08/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản, khi giải quyết vụ việc phá sản, Thẩm phán phải nghiên cứu, áp dụng án lệ đã được công nhận theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP; đồng thời, cho phép Thẩm phán tham khảo quyết định giải quyết vụ việc phá sản của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, có tính chất tương tự với vụ việc đang giải quyết để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết phá sản.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng có quy định hướng dẫn xác định vụ việc phá sản có tính chất phức tạp. Cụ thể, vụ việc phá sản có tính chất phức tạp là vụ việc không thuộc một trong các trường hợp tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 8 của Luật Phá sản. Đồng thời, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có từ trên 300 lao động hoặc có vốn điều lệ từ trên 100 tỷ đồng hoặc là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định; là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan, tổ chức nước ngoài hay có giao dịch bị yêu cầu tuyên bố là vô hiệu theo quy định tại Điều 59 của Luật Phá sản.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/09/2016.

Xây dựng:

  1. 6.      QUY ĐỊNH MỚI VỀ THỜI HẠN CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ XÂY DỰNG

Theo Thông tư số 24/2016/TT-BXD ngày 01/09/2016 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng, cá nhân có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cấp trước ngày 01/09/2016 sẽ được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn.

Đối với chứng chỉ không ghi thời hạn hiệu lực, cá nhân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30/06/2018. Đặc biệt, cá nhân có chứng chỉ hành nghề hết hạn sử dụng từ sau ngày 01/03/2016 được tiếp tục hành nghề đến hết ngày 31/12/2016.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng lùi thời hạn áp dụng quy định về sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề mới theo quy định của Thông tư số 17/2016/TT-BXD tới ngày 01/12/2016; trong khi thời hạn áp dụng theo quy định cũ là ngày 01/09/2016.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 7.      TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH SỐT RÉT

Quyết định số 4845/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét do Bộ Y tế ban hành ngày 08/09/2016 quy định bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do 05 loài ký sinh trùng Plasmodium gây nên, lây truyền chủ yếu là do muỗi Anopheles; bệnh tiến triển có chu kỳ và có hạn định nếu không bị tái nhiễm.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng là những cơn sốt rét điển hình với 03 triệu chứng: Rét run, sốt, vã mồ hôi; Không tìm thấy các nguyên nhân gây sốt khác; Đang ở hoặc đã đến vùng sốt rét lưu hành trong ít nhất 14 ngày hoặc có tiền sử mắc sốt rét trong vòng 02 năm gần đây; Có đáp ứng với thuốc điều trị sốt rét. Trường hợp xác định mắc sốt rét là trường hợp có ký sinh trùng sốt rét trong máu được xác định bằng xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên hoặc kỹ thuật sinh học phân tử.

Các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính bao gồm: Rối loạn ý thức nhẹ, thoáng qua (li bì, cuồng sảng, vật vã…); Sốt cao liên tục; Rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng cấp); Đau đầu dữ dội; Mật độ ký sinh trùng cao; Thiếu máu nặng (da xanh, niêm mạc nhợt).

Để điều trị bệnh sốt rét cần phải tuân thủ các nguyên tắc: Điều trị sớm, đúng và đủ liều; Điều trị cắt cơn sốt kết hợp với chống lây lan và điều trị tiệt căn; Các trường hợp sốt rét do P.falciparum không được dùng một thuốc sốt rét đơn thuần, phải điều trị thuốc sốt rét phối hợp để hạn chế kháng thuốc và tăng hiệu lực điều trị; Điều trị thuốc sốt rét đặc hiệu kết hợp với điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng; Các trường hợp sốt rét ác tính phải tới đơn vị hồi sức cấp cứu của bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, theo dõi chặt chẽ và hồi sức tích cực.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách:

  1. 8.      ĐẨY MẠNH HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp và người dân được tự do sản xuất, kinh doanh theo pháp luật…, ngày 08/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cán bộ, công chức, viên chức… tập trung vào việc đổi mới phong cách, tác phong công tác, tôn trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, “nói đi đôi với làm”

Đồng thời, triển khai kế hoạch giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các bậc học phổ thông; hoàn thành việc biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đưa vào giảng dạy ở các cấp học, bậc học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức theo sự chỉ đạo, kế hoạch chung thống nhất…

Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn các hình thức khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

  1. 9.      SẼ CÓ ƯU ĐÃI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Ngày 06/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1734/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”.

Theo Đề án, sẽ xây dựng chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông nói chung; đầu tư xây dựng và phát triển các công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung, hiện đại; xây dựng 02 - 03 khu công nghệ thông tin tập trung tại mỗi thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; hình thành chuỗi các khu công nghệ thông tin, vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế…

Về hạ tầng giao thông đường bộ, sẽ tập trung đầu tư xây dựng đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh… và đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ bản các tuyến quốc lộ, nối thông và nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam, Thái Lan, Campuchia…; đầu tư hệ thống đường ven biển, hành lang và đường tuần tra biên giới theo quy hoạch được duyệt; đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, nâng cao tốc độ chạy tàu đạt 80 - 90km/h đối với tàu khách và 50 - 60km/h với tàu hàng và nâng cao năng lực thông qua trên toàn tuyến.

Về hạ tầng năng lượng, Thủ tướng định hướng đến năm 2020, tăng cường hợp tác với Lào để đầu tư xây dựng thủy điện và nhập khẩu điện về Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp hòa mạng không đồng bộ giữa 02 hệ thống điện của Việt Nam và Lào; tập trung nghiên cứu vấn đề về vận hành tách lưới không đồng bộ giữa Việt Nam và Campuchia.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hành chính:

10. THỦ TƯỚNG: KIÊN QUYẾT TINH GIẢN CÔNG CHỨC NĂNG LỰC YẾU

Ngày 05/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên. Đồng thời, đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân lực; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về phía cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cần phải nghiêm túc thực hiện công việc và nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức…

11. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT MỸ PHẨM

Ngày 31/08/2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4708/QĐ-BYT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành tại Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Theo Quyết định này, trước khi tiến hành sản xuất, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm tới Sở Y tế. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì thông báo bằng văn bản và nêu những nội dung chưa đầy đủ, hợp lệ tới cơ sở sản xuất mỹ phẩm.

Trong 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và phí thẩm định theo quy định, Sở Y tế kiểm tra cơ sở sản xuất, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận hoặc yêu cầu cơ sở thay đổi, khắc phục phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cũng theo Quyết định, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các điều kiện như: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc; Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất; Nguyên, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất  lượng của nhà sản xuất…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Cơ cấu tổ chức:

12. NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ

Ngày 01/09/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong đó đáng chú ý là quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ.

Theo đó, tổ chức bộ máy của Bộ được thực hiện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Hoạt động của Bộ phải được công khai, minh bạch, hiện đại hóa; đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Cơ cấu tổ chức của Bộ vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành, bao gồm: Vụ; Văn phòng; Thanh Tra; Cục (nếu có); Tổng cục (nếu có) và đơn vị sự nghiệp công lập (gồm các đơn vị nghiên cứu chiến lược, chính sách về ngành, lĩnh vực; báo, tạp chí; trung tâm thông tin; trường hoặc trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; học viện thuộc Bộ).

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung một số trách nhiệm, quyền hạn của Bộ. Cụ thể như: Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, quy định về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý; Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý; Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từ chức, tạm đình chỉ công tác đối với Thứ trưởng…

Nghị định này thay thế Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/04/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016.


 

Đang truy cập: 49
Trong ngày: 103
Trong tuần: 824
Lượt truy cập: 1579565
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com