1. 1.      NGÀY 10/11 HÀNG NĂM LÀ NGÀY VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Quyết định số 1846/QĐ-TTg về Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/09/2016.

Tại Quyết định, Thủ tướng thống nhất lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội; tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Việc tổ chức Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu: Thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; Có chủ đề, chương trình, mục tiêu cụ thể, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; Sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 2.      LỆ PHÍ CẤP PHÉP LÀM VIỆC TRONG KỲ NGHỈ CHO CÔNG DÂN ÚC LÀ 600.000 ĐỒNG/LẦN

Ngày 19/09/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 140/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép làm việc trong kỳ nghỉ cho công dân Niu Di-lân và công dân Ô-xtơ-rây-li-a.

Theo đó, mức thu lệ phí cấp phép làm việc trong kỳ nghỉ cho công dân Niu Di-lân và công dân Ô-xtơ-rây-li-a là 600.000 đồng/lần/người đối với cấp mới và 600.000 đồng/lần/người đối với cấp lại.

Lệ phí cấp Giấy phép được thu bằng đồng Việt Nam; tổ chức thu lệ phí phải nộp 100% tổng số tiền thu được vào ngân sách Nhà nước theo Mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Thông tư này thay thế Thông tư số 97/2012/TT-BTC ngày 18/06/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017

  1. 3.      LỆ PHÍ CẤP PHÉP LÊN BỜ CHO THUYỀN VIÊN NƯỚC NGOÀI TỐI ĐA 5 USD/GIẤY

Đây là nội dung tại Thông tư số 138/2016/TT-BTC ngày 16/09/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép lên bờ cho thuyền viên nước ngoài, Giấy phép xuống tàu nước ngoài, Giấy phép cho người điều khiển phương tiện Việt Nam cặp mạn tàu nước ngoài và Giấy phép cho người Việt Nam và người nước ngoài thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch có liên quan đến tàu, thuyền nước ngoài.

Cụ thể, lệ phí cấp Giấy phép lên bờ (đi bờ) cho thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu, thuyền nước ngoài trong thời gian neo đậu tại cảng biển của Việt Nam lên bờ trong thời gian từ 07 - 24 giờ trong phạm vi nội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu, cảng biển mà tàu, thuyền neo đậu là 03 USD/giấy phép; lệ phí cấp phép lên bờ cho thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu, thuyền nước ngoài trong thời gian neo đậu tại cảng biển của Việt Nam lên bờ nghỉ qua đêm trên bờ trong phạm vi nội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu cảng biển mà tàu, thuyền neo đậu là 05 USD/giấy phép.

Lệ phí cấp Giấy phép xuống tàu nước ngoài cho người Việt Nam và người nước ngoài xuống tàu, thuyền nước ngoài làm việc, có giá trị 03 tháng hoặc 12 tháng là 30.000 đồng/giấy phép, tương đương 1,5 USD/giấy phép; lệ phí cấp phép cho người điều khiển phương tiện Việt Nam cặp mạn tàu nước ngoài là 20.000 đồng/giấy phép.

Đối với người Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch có liên quan đến tàu, thuyền nước ngoài, có giá trị 01 lần, mức lệ phí cấp giấy phép là 10.000 đồng/giấy phép với người dưới 16 tuổi và 20.000 đồng/giấy phép với người từ 16 tuổi trở lên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

  1. 4.      MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU VỚI HÀNH LÝ NHẬP CẢNH KHÔNG QUÁ 10 TRIỆU

Theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất, nhập cảnh), do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc sau chuyến đi sẽ được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh với các vật phẩm có tổng giá trị hải quan không quá 10 triệu đồng; trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế nếu hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.

Riêng với rượu từ 20 độ trở lên; rượu dưới 20 độ; đồ uống có cồn, bia; thuốc lá điếu; thuốc lá sợi và xì gà, định mức miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh lần lượt là 1,5 lít; 02 lít; 03 lít; 200 điếu; 250 gam và 20 điếu. Trường hợp người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can rượu có dung tích lớn hơn quy định nhưng không quá 01 lít thì được miễn thuế cả chai; nếu quá 01 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định.

Cũng theo Nghị định này, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến công tác, làm việc ở Việt Nam từ 12 tháng trở lên; tổ chức, công dân Việt Nam có hoạt động ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên sau khi kết thúc hoạt động trở về nước sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với tài sản di chuyển, bao gồm: 01 cái hoặc 01 bộ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt, làm việc đã qua sử dụng hoặc chưa qua sử dụng (trừ xe ô tô, xe gắn máy).

Với cư dân biên giới là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới, người có giấy phép của cơ quan công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới, định mức miễn thuế đối với hàng hóa mua bán trao đổi tối đa là 02 triệu đồng/người/ngày/lượt, mỗi tháng không quá 04 lượt.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về miễn thuế với quà biếu, quà tặng. Theo đó, miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và ngược lại, có giá trị hải quan không quá 02 triệu đồng hoặc có giá trị hải quan trên 02 triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 200.000 đồng; số lần miễn thuế tối đa 04 lần/năm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016.

Đầu tư:

  1. 5.      CHỦ ĐẦU TƯ PHẢI THƯỜNG XUYÊN CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN

Ngày 29/09/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT quy định về chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 20/11/2016.

Thông tư này quy định, khi chương trình, dự án được phê duyệt đầu tư, chủ đầu tư, chủ dự án thành phần phải cập nhật thông tin chương trình, dự án theo Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư vào Hệ thống thông tin nghiệp vụ tại địa chỉ https://dautucong.mpi.gov.vn; trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt đầu tư.

Trong quá trình thực hiện, chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ khi có điều chỉnh hoặc phát sinh, phải cập nhật các thông tin: Phê duyệt điều chỉnh dự án; Phê duyệt, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; 

Phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu; Hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng; Kế hoạch vốn được cấp; Giá trị nghiệm thu, giá trị giải ngân; Thông tin về đánh giá, kiểm tra… Ngoài ra, hàng tháng phải cập nhật các thông tin phát sinh như: Khối lượng thực hiện tại hiện trường; Thông tin hình ảnh hoặc phim về hiện trạng thi công tại hiện trường đối với dự án có cấu phần xây dựng. Khi kết thúc chương trình, dự án, phải thực hiện cập nhật thông tin quyết toán dự án theo Quyết định phê duyệt quyết toán trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày được phê duyệt quyết toán.

Ngoài những thông tin, báo cáo chủ đầu tư, chủ dự án thành phần phải cập nhật theo quy định nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khuyến khích các chủ đầu tư, chủ dự án thành phần cập nhật đầy đủ các văn bản theo các chức năng của Hệ thống thông tin nghiệp vụ.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 6.      MỨC CHI CỦA NHÀ NƯỚC CHO CÔNG TÁC KHÁM, CHỮA BỆNH TÂM THẦN

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BYT ngày 29/09/2016 quy định việc thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phong, tâm thần của Nhà nước.

Theo quy định tại Thông tư này, mức chi của ngân sách Nhà nước để thực hiện khám, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh mắc chứng mất trí trong bệnh Alzeimer là 5,98 triệu đồng/người bệnh/đợt điều trị; 5,71 triệu đồng/người bệnh/đợt điều trị đối với chứng mất trí trong bệnh mạch máu; 5,25 triệu đồng/người bệnh/đợt điều trị đối với rối loạn tâm thần do sử dụng rượu; 6,18 triệu đồng/người bệnh/đợt điều trị đối với rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy. Với bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, tâm thần phân liệt thể thanh xuân, tâm thần phân liệt thể căng trương lực; tâm thần phân liệt thể trầm cảm, mức chi của ngân sách Nhà nước đối với mỗi đợt điều trị của một người bệnh là 7,66 triệu đồng… Mức chi cao nhất là 8,92 triệu đồng cho một người bệnh/đợt điều trị được áp dụng đối với giai đoạn trầm cảm; trầm cảm tái diễn; các rối loạn khí sắc không biệt định…

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh phong, mức chi của ngân sách Nhà nước dao động từ 1,21 triệu đồng/người bệnh/đợt điều trị đến 13,23 triệu đồng đồng/người bệnh/đợt điều trị.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2016.

  1. 7.      HƯỚNG DẪN THANH TOÁN BHYT VỚI MỘT SỐ DỊCH VỤ KỸ THUẬT Y TẾ

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2016, Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/09/2016 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), quy định Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong phạm vi được hưởng, mức hưởng và giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT theo điều kiện, tỷ lệ và mức giá thanh toán theo quy định; với phần chi phí ngoài phạm vi chi trả, người bệnh tự thanh toán.

Cụ thể, Quỹ BHYT sẽ thanh toán phần chi phí bằng giá của dịch vụ kỹ thuật y tế nhân với mức hưởng nhân với tỷ lệ thanh toán theo quy định. Trong đó, tỷ lệ thanh toán đối với người bệnh có cam kết trên hồ sơ bệnh án việc tự lựa chọn dịch vụ phẫu thuật nội soi robot để điều trị u nang ống mật chủ, u nang ống mật chủ nối mật ruột nội soi, cắt thùy phổi ở trẻ em, cắt thùy phổi điển hình, bệnh phình đại tràng bẩm sinh… và người hoạt động cách mạng từ Ngày Khởi nghĩa tháng tám năm 1945 trở về trước, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, thương binh, bệnh binh điều trị vết thương, bệnh tật tái phát, trẻ em dưới 06 tuổi, sĩ quan, quân nhân, người nghèo, người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thực hiện dịch vụ phẫu thuật nội soi có robot là 40% giá dịch vụ kỹ thuật. Với những người bệnh thuộc đối tượng khác thực hiện dịch vụ phẫu thuật nội soi có robot, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 30% dịch vụ kỹ thuật; người bệnh tự thanh toán 70% còn lại và phần cùng chi trả (nếu có) tính trên 30% giá dịch vụ…

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể 16 dịch vụ kỹ thuật y tế tạm thời Quỹ BHYT chưa thanh toán, bao gồm: HIV genotype giải trình tự gene; HBV genotype giải trình tự gene; Điều trị bằng bùn; Điều trị bằng nước khoáng; Luyện tập dưỡng sinh; ANA 17 profile test; Helicobacter pylori giải trình tự gene; Chlamydia giải trình tự gene; Neisseria gonorrhoeae kháng thuốc giải trình tự gene; Vibrio cholerae giải trình tự gene; Vi khuẩn kháng thuốc giải trình tự gene; Rubella virus giải trình tự gene; Influenza virus A, B giải trình tự gene; HPV genotype giải trình tự gene; Enterovirus genotype giải trình tự gene và EV71 genotype giải trình tự gene.

Giao thông:

  1. 8.      ĐẦU TƯ XÂY DỰNG 50 TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE CỐ ĐỊNH

Nhằm mục tiêu ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ; thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động vận tải, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá cước vận tải; hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ, ngày 30/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1885/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Quy hoạch, Thủ tướng khẳng định sẽ đầu tư xây dựng 50 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, bao gồm 26 trạm kết hợp cùng các trạm thu phí, 24 trạm xây dựng độc lập; trong đó, 28 trạm được đầu tư xây dựng trong giai đoạn đến năm 2020 và 22 trạm trong giai đoạn sau năm 2020 đến năm 2030. Đối với các tuyến đường cao tốc, tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải căn cứ điều kiện thực tế quyết định đầu tư và vị trí lắp đặt các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe; trường hợp cần xây dựng trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, báo cáo Thủ tướng bổ sung vào Quy hoạch trong giai đoạn lập dự án đầu tư của dự án đường bộ.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về nguyên tắc lựa chọn vị trí đặt trạm kiểm tra tải trọng xe, theo đó, trạm phải được bố trí trên các tuyến đường bộ trọng điểm, các hành lang vận tải đường bộ chính. Vị trí đặt trạm phải kiểm soát được tối đa các phương tiện lưu thông trên đường bộ; hạn chế tối đa hiện tượng xe quá tải đi vòng đường khác để trốn, tránh việc kiểm tra, kiểm soát; hạn chế được tối đa các tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực khai thác của đường bộ. Đặc biệt, hạn chế việc lắp đặt trạm kiểm tra tải trọng xe trong phạm vi khu vực nội thành, nội thị và các đô thị để chống ùn tắc…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KÌ HỌC SINH TIỂU HỌC THEO 3 MỨC

Đây là nội dung mới của Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/09/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, từ ngày 06/11/2016, vào giữa học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh tiểu học đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo 03 mức: Hoàn thành tốt (thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục); Hoàn thành (thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục); Chưa hoàn thành (chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục). Trong khi trước đây, chỉ áp dụng 02 mức để đánh giá định kì học sinh tiểu học.

Đặc biệt, Thông tư quy định đối với học sinh lớp 4, lớp 5 sẽ có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II, ngoài các bài kiểm tra định kỳ vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc.

Điểm các bài kiểm tra định kì nêu trên không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác; nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/11/2016.

Chính sách:

10. ĐỊNH MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG TẠI 4 TỈNH MIỀN TRUNG

Ngày 29/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, bao gồm chủ tàu và người lao động trên tàu/thuyền không lắp máy hoặc có lắp máy công suất dưới 90CV trực tiếp khai thác thủy sản trên biển, cửa sông, cửa biển, đầm phá, có đăng ký hộ khẩu thường trú và thực tế hoạt động khai thác thủy sản tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế phải ngừng hoạt động do sự cố môi trường biển; người lao động sống ven biển làm nghề khai thác thủy sản có tính chất đơn giản và thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển, đầm phá, cửa sông; chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tạm dừng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm bởi sự cố môi trường biển…

Trong đó, định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển 04 tỉnh miền Trung được xác định theo từng nhóm đối tượng; thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 06 tháng, từ tháng 04/2016 đến hết tháng 09/2016.

Cụ thể, với chủ tàu khai thác thủy sản, loại tàu/thuyền không lắp máy, bị thiệt hại do nằm bờ, định mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; 10,67 triệu đồng/tàu/tháng với chủ tàu lắp máy dưới 20CV bị thiệt hại do nằm bờ; 37,48 triệu đồng/tàu/tháng với chủ tàu lắp máy có công suất từ 400CV trở lên, bị thiệt hại do giá. Với người lao động trên tàu, định mức bồi thường thiệt hại do nằm bờ dao động từ 3,69 - 8,79 triệu đồng/người/tháng, tùy từng loại tàu, thuyền. Trường hợp người lao động bị mất thu nhập do sự cố môi trường biển, bao gồm thu nhập bị mất của chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản tạm dừng sản xuất và người lao động bị mất thu nhập các lĩnh vực được xác định bồi thường, định mức bồi thường là 2,91 triệu đồng/người/tháng…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hành chính:

11. VĂN BẢN NHNN PHẢI ĐƯỢC ĐĂNG TẢI TRÊN CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA SAU 15 NGÀY

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 27/2016/TT-NHNN ngày 28/09/2016 hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành thông tư, Văn phòng Ngân hàng Nhà nước phải gửi bản chính của văn bản kèm theo bản điện tử đến Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo theo quy định và để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; đồng thời, phối hợp với đơn vị có liên quan đăng thông tư, thông cáo báo chí về việc ban hành thông tư trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký ban hành, toàn văn thông tư phải được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Cũng theo Thông tư này, chậm nhất ngày 05 tháng đầu mỗi quý, Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước phải tổng hợp, trình Thống đốc báo cáo về tình hình thực hiện chương trình xây dựng thông tư của quý trước; báo cáo bằng văn bản về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết gửi Bộ Tư pháp. Đồng thời, chậm nhất ngày 25 hàng tháng, phải cập nhật thông tin điện tử tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết gửi Bộ Tư pháp.

Thông tư này thay thế Thông tư số 30/2013/TT-NHNN ngày 09/12/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016.

 Cơ cấu tổ chức:

12. NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ

Theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01/10/2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ, Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho 01 người chủ trì và chịu trách nhiệm; phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định; cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Các hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan hành chính Nhà nước các cấp phải được công khai, minh bạch, hiện đại hóa…

Về cách thức giải quyết công việc của Chính phủ, Chính phủ giải quyết công việc thông qua thảo luận và quyết nghị tại phiên họp Chính phủ; gửi phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Trong đó, quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành; khi biểu quyết tại phiên họp Chính phủ cũng như khi sử dụng phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nếu số phiếu đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì quyết định theo ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã biểu quyết.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 23
Trong ngày: 76
Trong tuần: 798
Lượt truy cập: 1579534
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com