Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      MIỄN LỆ PHÍ MÔN BÀI VỚI HỘ KD CÓ DOANH THU NĂM TỪ 100 TRIỆU TRỞ XUỐNG

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ được miễn lệ phí môn bài là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.

Ngoài trường hợp có doanh thu năm từ 100 triệu đồng trở xuống, các trường hợp được miễn lệ phí môn bài còn bao gồm: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định; Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối; Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; Điểm bưu điện văn hóa xã, cơ quan báo chí; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Quỹ tín dụng nhân dân xã, hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết mức thu lệ phí môn bài. Cụ thể, với tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, mức thu lệ phí môn bài là 03 triệu đồng/năm; 02 triệu đồng/năm với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống và 01 triệu đồng/năm với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác. Đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, mức thu lệ phí môn bài dao động từ 300.000 đồng/năm - 01 triệu đồng/năm, tùy theo doanh thu hàng năm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

  1. DN NƯỚC NGOÀI LẬP VPĐD Ở VIỆT NAM PHẢI NỘP LỆ PHÍ 3 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 26/09/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 143/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tư này quy định, mức thu lệ phí cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là 3 triệu đồng/giấy phép đối với trường hợp cấp mới; 1,5 triệu đồng/giấy phép đối với trường hợp cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn. Lệ phí cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được thu bằng Đồng Việt Nam.

Mức thu trên không áp dụng đối với văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; tổ chức hợp tác, nghiên cứu, cơ sở văn hóa giáo dục và các tổ chức nước ngoài khác.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

  1. 3.      ÁP THUẾ SUẤT 0% VỚI NHIỀU MẶT HÀNG NHẬP KHẨU TỪ NGA

Ngày 29/09/2016, Chính phủ đã ra Nghị định số 137/2016/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh kinh tế Á - Âu và các nước thành viên giai đoạn 2016 - 2018.

Cụ thể, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt được áp dụng đối với các mặt hàng nhập khẩu trực tiếp vào Việt Nam từ Liên bang Nga; Cộng hòa Ác-mê-ni-a; Bê-la-rút; Cư-rơ-gư-xtan; các nước thành viên khác của Liên minh kinh tế Á - Âu và đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EAV do Bộ Công Thương quy định.

Trong đó, các mặt hàng được áp thuế suất thuế nhâp khẩu ưu đãi đặc biệt 0% bao gồm: Thịt trâu, bò tươi hoặc ướp lạnh; Sữa và kem, chưa cô đặc và chưa pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác; Sữa và kem, Bơ, pho mát; Lúa mạch đen, lúa đại mạch, yến mạch; Mực in, mực viết hoặc mực vẽ và các loại mực khác, đã hoặc chưa cô đặc hoặc làm thành thể rắn; Tơ tằm; Máy ấp trứng gia cầm và thiết bị sưởi ấm gia cầm mới nở; Máy in sử dụng các bộ phận in như khuôn in, trục lăn và các bộ phận in khác của nhóm 84.42; Máy in khác, máy copy và máy fax, có hoặc không kết hợp với nhau…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2016

Đất đai-Nhà ở:

  1. 4.      BÁN NHÀ Ở XÃ HỘI PHẢI NỘP TỪ 50% TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO NHÀ NƯỚC

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 139/2016/TT-BTC ngày 16/09/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư khi xây dựng nhà ở xã hội và phương pháp xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người mua, thuê mua được phép bán lại nhà ở xã hội.

Cụ thể, khi được phép bán lại nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư, người bán phải nộp cho ngân sách Nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; 100% tiền sử dụng đất nếu nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng có quy định chi tiết về việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, bao gồm cả phần diện tích đất 20% để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. NGÂN HÀNG PHẢI CHUYỂN ĐỔI GP HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI TRƯỚC THÁNG 11/2017

Ngày 05/10/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 28/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2014/TT-NHNN ngày 14/08/2014 hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được thực hiện hoạt động ngoại hối phải thực hiện chuyển đổi sang Giấy phép thành lập và hoạt động ngoại hối hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động với nội dung kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và/hoặc trên thị trường quốc tế trong phạm vi do Ngân hàng Nhà nước quy định. Với các hoạt động khác, chuyển đổi sang văn bản chấp thuận có thời hạn.

Trong đó, thời gian thực hiện chuyển đổi đến ngày 31/10/2017; quá thời hạn này, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện chuyển đổi hoặc không được chuyển đổi do không đáp ứng các điều kiện theo quy định phải chấm dứt các hoạt động ngoại hối.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2016.

Xuất nhập khẩu:

  1. 6.      BỘ CÔNG THƯƠNG HỖ TRỢ THỦ TỤC XUẤT NHẬP KHẨU QUA ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3948/QĐ-BCT ngày 30/09/2016 ban hành Quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Đường dây nóng về xuất nhập khẩu hàng hóa của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận thông tin tại số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và trang thông tin điện tử theo công bố chính thức của Bộ; thời gian tiếp nhận thông tin qua Đường dây nóng vào giờ hành chính của các ngày làm việc trong tuần.

Thông tin phản ánh đến Đường dây nóng phải sử dụng bằng ngôn ngữ tiếng Việt và có nội dung cụ thể về tên, địa chỉ, số điện thoại, email của cá nhân, tổ chức phản ánh thông tin. Thông tin phản ánh có thể bị từ chối tiếp nhận khi cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin không nêu rõ tên, địa chỉ, số điện thoại của mình; hoặc nội dung thông tin cung cấp không có căn cứ rõ ràng; không xác định được nội dung vụ việc cụ thể đang xảy ra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…

Thời hạn xem xét, giải quyết, xử lý thông tin hoặc hướng dẫn, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân không quá 01 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin (trừ trường hợp tiếp nhận sau 16h00) đối với nội dung thông thường và thuộc chức năng quản lý chuyên ngành của đơn vị tiếp nhận thông tin thuộc Bộ Công Thương; không quá 03 ngày làm việc liên tục kể từ khi tiếp nhận thông tin đối với nội dung phức tạp và thuộc chức năng quản lý chuyên ngành của đơn vị tiếp nhận thông tin thuộc các Bộ, ngành khác.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 Y tế-Sức khỏe:

  1. 7.      QUY TRÌNH THANH TRA AN TOÀN THỰC PHẨM

Tại Quyết định số 4988/QĐ-BYT ngày 16/09/2016, Bộ Y tế đã ban hành 04 Quy trình thanh tra an toàn thực phẩm, gồm: Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra an toàn thực phẩm; Tiến hành một cuộc thanh tra an toàn thực phẩm rút gọn; Tiến hành một cuộc thanh tra an toàn thực phẩm đột xuất và Tiến hành thanh tra an toàn thực phẩm độc lập.

Trong đó, Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra an toàn thực phẩm được quy định như sau: Chậm nhất  15 ngày từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra. Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn và các thành viên của Đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; đối với tài liệu không cần thu giữ, phải trả lại cho đối tượng thanh tra ngay khi kết thúc việc thanh tra trực tiếp.

Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định kiểm kê tài sản, hàng hóa. Khi có căn cứ tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra ra quyết định thu hồi; nếu người có tài sản bị thu giữ không chấp hành quyết định thu hồi thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Đấu thầu-Cạnh tranh:

  1. NHỮNG HÀNH VI BỊ CẤM TRONG LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN DỰ ÁN PPP

Ngày 29/09/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 15/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (dự án PPP).

Theo hướng dẫn của Thông tư này, các hành vi bị cấm trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP gồm: Tham dự thầu với tư cách là nhà đầu tư đối với dự án do mình làm bên mời thầu hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu; Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ 
mời thầu đối với cùng một dự án; Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu đồng thời tham gia thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với cùng một dự án… Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu; Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào…

Về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư, Thông tư quy định nhà đầu tư độc lập hoặc từng thành viên trong liên danh có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà đầu tư đang hoạt động cấp; Hạch toán tài chính độc lập; Không đang trong quá trình giải thể, không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả; Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; Đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016; thay thế Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT ngày 27/01/2011.

  1. DỰ THẦU DỊCH VỤ TƯ VẤN PHẢI CÓ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRƯỚC KHI ĐÓNG THẦU

Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 29/09/2016; trong đó dịch vụ phi tư vấn được quy định bao gồm: logistics, bảo hiểm; quảng cáo; tổ chức đào tạo; nghiệm thu chạy thử; đo vẽ bản đồ; in ấn; tang lễ; vệ sinh; kế toán; truyền thông; vận tải công cộng…

Cũng theo Thông tư, khi tham dự thầu, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng séc bảo chi. Trường hợp liên danh phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo một trong hai cách: Từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện riêng rẽ bảo đảm dự thầu nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu, nếu bảo đảm dự thầu của một thành viên  trong liên danh được xác định là không hợp lệ thì hồ sơ dự thầu của liên danh đó sẽ không được xem xét tiếp; Các thành viên trong liên danh thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và các thành viên khác trong liên danh…

Về việc ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, Thông tư này quy định như sau: Đối tượng được hưởng ưu đãi là nhà thầu có tổng số lao động là nữ giới hoặc thương binh, người khuyết tật chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên và có thời gian sử dụng lao động tối thiểu bằng thời gian thực hiện gói thầu; nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2016

Giao thông:

10. SẼ CÔNG KHAI BIỂN KIỂM SOÁT XE HẾT NIÊN HẠN SỬ DỤNG

Tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/10/2016 về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, Thủ tướng Chính phủ nhận định tình trạng phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định tham gia giao thông đang gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải được giao trách nhiệm tiếp tục thông báo danh sách phương tiện cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định cho Bộ Công an. Bộ Công an phải tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe quá hạn kiểm định vẫn tham gia giao thông; đồng thời, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển kiểm soát theo quy định đối với phương tiện hết niên hạn sử dụng…

UBND cấp tỉnh tiến hành tổng kiểm tra, thống kê danh sách các phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; có phương án cụ thể xử lý theo đúng quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, cơ chế chính sách để người dân, doanh nghiệp chủ động thông báo, giao nộp các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng.

Đặc biệt, sẽ công khai số lượng, biển kiểm soát xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tự nguyện giao nộp giấy chứng nhận đăng ký, kiểm định, biển kiểm soát phương tiện hết niên hạn sử dụng. Đồng thời, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân không mua, bán, trao đổi các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng để tham gia giao thông.

Khoa học công nghệ:

11. THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ PPP TÀI TRỢ CHO NHIỆM VỤ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ

Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công tư (PPP), đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 07/10/2016 theo Quyết định số 1931/QĐ-TTg, nhằm hướng tới mục tiêu huy động nguồn lực và sự tham gia thực hiện của nhiều đối tác khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề lớn của lĩnh vực khoa học và công nghệ; thúc đẩy sự hợp tác và gắn kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Theo đó, đối tác công là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh và các định chế tài chính hoạt động chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước. Đối tác tư là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; phần đóng góp của đối tác tư chiếm không dưới 40% tổng nguồn lực thực hiện Chương trình. Các tổ chức hợp tác phát triển song phương và đa phương, các quỹ và các tổ chức, cá nhân khác tham gia đóng góp nguồn lực thực hiện Chương trình được tính vào phần đóng góp của đối tác công hoặc đối tác tư tùy từng trường hợp cụ thể.

Đặc biệt, khi thực hiện các đề tài, dự án của Chương trình, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được ưu tiên, ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật trong sử dụng trang thiết bị, phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất cần thiết khác của Nhà nước; được ưu tiên khai thác các cơ sở dữ liệu, tài sản trí tuệ thuộc sở hữu Nhà nước. Đồng thời, được ưu tiên sử dụng kết quả tạo ra phù hợp với quy định pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 12
Trong ngày: 65
Trong tuần: 787
Lượt truy cập: 1579523
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com