Đề xuất các biện pháp quản lý và sử dụng rừng

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo đề xuất nhiều biện pháp quản lý và sử dụng rừng.

Dự thảo nêu rõ nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng. Theo đó, việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng phải đúng thẩm quyền và phải thực hiện đồng thời với việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, dự thảo quy định: Đối với giao rừng đặc dụng, Nhà nước giao rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan không thu tiền sử dụng rừng cho các Ban quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

 

Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học không thu tiền sử dụng rừng cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch đã được phê duyệt, quyết định.

 

Đối với giao rừng phòng hộ, Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng đối với các ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống hợp pháp tại đó để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

 

Đối với giao rừng sản xuất, nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng không thu tiền sử dụng rừng cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống hợp pháp tại đó trực tiếp lao động lâm nghiệp để phát triển rừng sản xuất; đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng rừng sản xuất kết hợp với quốc phòng, an ninh; Ban quản lý rừng trong trường hợp có rừng sản xuất xen kẽ trong rừng phòng hộ đã giao cho Ban quản lý.

 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các nội dung về giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn; cho thuê rừng sản xuất; cho thuê môi trường rừng đặc dụng và rừng phòng hộ…

 

Về tổ chức quản lý rừng: Đối với rừng đặc dụng, các rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích trên 5.000 héc ta được thành lập Ban quản lý rừng; đối với rừng phòng hộ, những rừng phòng hộ đầu nguồn tập trung có diện tích từ 5.000 hecta trở lên hoặc có diện tích dưới 5.000 héc ta nhưng có tầm quan trọng về chức năng phòng hộ hoặc rừng phòng hộ ven biển quan trọng phải có Ban quản lý. Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Sử dụng rừng

 

Về khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng: Đối với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật ngoài gỗ và không thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính theo đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật…

 

Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan: Được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh để bảo tồn, tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt…

 

Về khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, đối với rừng tự nhiên: Được phép khai thác cây đã chết, cây sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ; được phép khai thác lâm sản ngoài gỗ mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng, trừ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ.

 

Đối với rừng trồng: Được phép khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định theo quy chế quản lý rừng; được phép khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, theo đám rừng. Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ…


 

Đang truy cập: 13
Trong ngày: 14
Trong tuần: 1251
Lượt truy cập: 1597455
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com