Doanh nghiệp:

  1. 1.      NHIỀU ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Ngày 17/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 151/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Theo Thông tư này, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được hưởng một số chính sách ưu đãi tài chính như: Được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý và sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (chi phí trả lương, đóng BHXH cho người lao động trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu; thanh toán các khoản chi ra quân, xuất ngũ, phục viên, thôi việc…). 

Đồng thời, cơ sở giáo dục thuộc doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quản lý được hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập với mức 30 triệu đồng - 200 triệu đồng/lớp/năm; Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đóng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, ở xa các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định cần phải duy trì bệnh xá được hỗ trợ kinh phí y tế với mức từ 300 triệu đồng - 500 triệu đồng/bệnh xá.

Thông tư này được áp dụng từ năm ngân sách 2016.

Thương mại:

  1. 2.      ĐẾN 2020, 80% KHIẾU NẠI CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐƯỢC TIẾP NHẬN, HỖ TRỢ

Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/10/2016 tại Quyết định số 1997/QĐ-TTg.

Chương trình do Bộ Công Thương chủ trì với các nội dung chính như: Xây dựng kế hoạch và tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; Tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Xây dựng hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương; Thành lập các tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Triển khai chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng; Hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự kiến đến năm 2020, 80% các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công đạt trên 70% vụ việc được tiếp nhận; 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh; tối thiểu 40 tỉnh, thành phố phát triển được mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xuống địa bàn cấp quận, huyện; 15.000 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên toàn quốc được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. 3.      CHI HƠN 13.000 TỶ QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN VÙNG KINH TẾ BẮC BỘ

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn, phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm thiểu tối đa khối lượng chất thải phải chôn lấp…, ngày 14/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030.

Theo Quy hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2020, dự báo tổng lượng chất thải rắn toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát sinh khoảng 38.980 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn thông thường phát sinh khoảng 36.040 tấn/ngày, chất thải rắn nguy hại phát sinh khoảng 2.940 tấn/ngày. Trên cơ sở đó, đề xuất phân vùng xử lý chất thải rắn, cụ thể, chất thải rắn trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được phân vùng xử lý theo phạm vi phục vụ của cơ sở xử lý Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội (bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên) hoặc được phân vùng xử lý theo phạm vi phục vụ của các cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch của từng địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, các cơ sở xử lý chất thải rắn phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng quy định hiện hành; thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các cơ sở có trước năm 2020; đóng cửa bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh và có giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn trong toàn vùng…

Dự kiến tổng vốn đầu tư triển khai quy hoạch lên đến 13.350 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn đến năm 2020 khoảng 8.870 tỷ đồng; giai đoạn từ năm 2021 - 2030 khoảng 4.480 tỷ đồng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. 

Y tế-Sức khỏe:

  1. 4.      CÁC DỊCH VỤ THUÊ, KHOÁN BÊN NGOÀI TẠI BỆNH VIỆN

Hướng dẫn Quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện đã được Bộ Y tế ban hành ngày 17/10/2016 theo Quyết định số 6197/QĐ-BYT; trong đó, dịch vụ thuê khoán bên ngoài tại bệnh viện được quy định là các dịch vụ được bệnh viện ký hợp đồng với đơn vị cung cấp bên ngoài bệnh viện để cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ.

Theo đó, các loại hình dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện bao gồm: Dịch vụ bảo vệ, an ninh trật tự; Dịch vụ vệ sinh công nghiệp, vệ sinh ngoại cảnh; Dịch vụ giặt là, hấp, sấy…; Dịch vụ bảo quản thi hài người bệnh tử vong trong bệnh viện; Dịch vụ vận chuyển người bệnh không cần trợ giúp của y tế và cần có trợ giúp y tế; Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện; Dịch vụ trông giữ xe, bãi xe; Dịch vụ ngân hàng hỗ trợ thanh toán cho người bệnh; Dịch vụ cung cấp hàng hóa, siêu thị mini, thuê kho; Dịch vụ bưu chính viễn thông; Các loại hình dịch vụ khác…

Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phải đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Đơn vị cung cấp dịch vụ phải có đủ tư cách pháp nhân; có đủ năng lực phương tiện, thiết bị và nhân lực để cung cấp dịch vụ; có đủ năng lực về tài chính; bảo đảm chất lượng dịch vụ và chịu trách nhiệm về dịch vụ do mình cung cấp… Đặc biệt, đơn vị cung cấp dịch vụ phải công khai bảng giá dịch vụ cho người bệnh và gia đình người bệnh; có chính sách ưu đãi đối với một số đối tượng đặc biệt. Nghiêm cấm các hành vi ép buộc người bệnh, gia đình người bệnh sử dụng dịch vụ…

Bệnh viện có trách nhiệm quản lý giá dịch vụ, không để đơn vị cung cấp dịch vụ tự định giá; khuyến khích các bệnh viện nghiên cứu để cung cấp một số dịch vụ miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề

  1. 5.      QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG THANH TRA CÁC KỲ THI

Ngày 13/10/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi; nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm quy chế; giúp cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục làm tốt công tác thi, xét tuyển, xét công nhận tốt nghiệp, tổ chức thực hiện và đánh giá luận văn, luận án; kịp thời kiến nghị cơ quan quản lý giáo dục các cấp có biện pháp để đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế…

Thanh tra các kỳ thi được tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất; trong đó, thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch hàng năm của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Giám đốc Sở GDĐT; Giám đốc Đại học Quốc gia…; thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thi, xét tuyển, xét tốt nghiệp, tổ chức thực hiện và đánh giá luận văn, luận án; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ GDĐT, Giám đốc Sở GDĐT, Hiệu trưởng giao.

Hoạt động thanh tra các kỳ thi được thực hiện trước, trong giá trình tổ chức hoặc sau khi kết thúc kỳ thi; Cuộc thanh tra do Hiệu trưởng quyết định tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày. Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ GDĐT quyết định tiến hành thực hiện theo quy định của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

Thông tin này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/11/2016.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. 6.      NĂM 2017, TỔNG BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC LÀ 269.084 NGƯỜI

Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1998/QĐ-TTg về việc phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan hành chính Nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2017.

Theo Quyết định này, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước năm 2017 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 269.084 người, giảm so với năm 2016 (Tổng biên chế công chức năm 2016 là 272.952 người).

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước là 268.084; trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 109.146 người; Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là 157.853 người; Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.085 người. Biên chế công chức dự phòng là 1.000 người.

Quyết định cũng nêu rõ, tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách:

  1. 7.      TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ ĐƯỢC TIẾN HÀNH 5 NĂM/LẦN

Đây là nội dung của Chương trình điều tra thống kê quốc gia được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/12/2016.

Cụ thể, Tổng điều tra kinh tế được tiến hành theo chu kỳ 5 năm (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 1 và 6) với đối tượng là các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp; chi nhánh, văn phòng của doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, thủy sản… Tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành theo chu kỳ 10 năm (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 9) với đối tượng là tất cả công dân Việt Nam cư trú thường xuyên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hoặc đang tạm trú ở nước ngoài; hộ dân cư. Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất với đối tượng là người sử dụng đất, người quản lý đất được tiến hành theo chu kỳ 5 năm (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 4 và 9)…

Bên cạnh đó, điều tra lao động và việc làm hướng tới thành viên hộ gia đình; thông tin của những người từ 15 tuổi trở lên; tình trạng di cư, trình độ chuyên môn kỹ thuật… được tổ chức định kỳ hàng tháng. Cũng được tổ chức định kỳ hàng tháng là điều tra về bán buôn, bán lẻ hàng hóa, với nội dung điều tra về tổng doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; doanh thu theo nhóm, ngành hàng…

Quyết định này thay thế Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28/06/2012.

  1. 8.      BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, có hiệu lực từ ngày 01/12/2016.

Theo đó, xã được công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới nếu đáp ứng các tiêu chí chung như: Có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn; Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ; Hệ thống điện đạt chuẩn; Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt từ 95% trở lên; Tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 70% trở lên; 100% thôn, bản, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; Không có nhà tạm, dột nát…

Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 6% trở xuống; tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động từ 90% trở lên; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông đạt từ 85% trở lên…

Về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, cán bộ, công chức xã phải đạt chuẩn; có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định; tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại Khá trở lên; xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định; xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 9.      ĐIỀU KIỆN ĐẶC XÁ THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN NĂM 2016

Tại Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016 về đặc xá năm 2016, Chủ tịch nước khẳng định sẽ thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/09/2016); trong đó, thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 30/11/2016.

Để được đề nghị đặc xá, người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn phải đáp ứng các điều kiện như: Đã chấp hành án phạt tù ít nhất 1/2 thời gian đối với án phạt tù có thời hạn hoặc đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với án phạt tù chung thân; Chấp hành tốt nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động, trong quá trình chấp hành án phạt tù liên tục được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.

Với người bị kết án phạt tù có thời hạn, đã chấp hành ít nhất 1/3 thời gian và người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đã chấp hành án phạt tù ít nhất 13 năm, chấp hành tốt nội quy, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại… sẽ được đề nghị đặc xá nếu đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện hoặc khi phạm tội là người chưa thành niên; là người từ 70 tuổi trở lên; đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mang thai hay có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại tạm giam, trại giam, nhà tạm giữ…

Đặc biệt, không đề nghị đặc xá trong các trường hợp: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ 02 tiền án trở lên; Bị kết án phạt tù từ 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý; Giết người có tính chất côn đồ; Cướp tài sản có sử dụng vũ khí…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hành chính:

10. ĐƯỢC NỘP HỒ SƠ, NHẬN KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC QUA BƯU ĐIỆN

Ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó quy định, tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích được lựa chọn một trong các hình thức như: Gửi hồ sơ giải quyết TTHC; Nhận kết quả giải quyết TTHC; Gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC.

Chất lượng dịch vụ bưu chính và giá cước áp dụng đối với việc chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích phải được công khai tại các điểm phục vụ bưu chính và trên trang tin điện tử của doanh nghiệp cung ứng bưu chính công ích.

Cũng theo Quyết định này, nhân viên bưu chính không được tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi; từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ để chuyển phát hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không có lý do; sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2016.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

11. TIÊU CHUẨN LỰC LƯỢNG BẢO VỆ RỪNG CHUYÊN TRÁCH

Tại Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng, Thủ tướng cho phép chủ rừng được thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Trong đó, người được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên trách phải đủ 18 tuổi trở lên; có sức khỏe đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ rừng; có phẩm chất đạo đức tốt; ưu tiên người là đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống tại địa bàn, người đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng.

Lực lượng bảo vệ rừng có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, khi phát hiện hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi diện tích được giao, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, tang vật vi phạm và kịp thời báo cáo với cán bộ, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý theo quy định. Trường hợp cần thiết, được sử dụng công cụ hỗ trợ như: Các loại súng dùng để bắn đạn cao su, đạn hơi cay và các loại đạn dùng cho các loại súng này; Dùi cui điện, dùi cui cao su; Các loại phương tiện xịt hơi cay; Áo giáp, găng tay bắt dao; Mũ chống đạn.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2016.


 

Đang truy cập: 40
Trong ngày: 94
Trong tuần: 816
Lượt truy cập: 1579554
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com