1. HƯỚNG DẪN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG ĐẶC THÙ CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO

 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2011/NĐ-CP ngày 24/11/2011 quy định chi tiết về kinh phí hoạt động chuyên môn đặc thù của cơ quan đại diện được cấp từ ngân sách Nhà nước nêu tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Nội dung các hoạt động chuyên môn đặc thù do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện gồm: Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm, giao thương, giới thiệu quảng bá hàng hóa, dịch vụ và lao động của Việt Nam, cơ hội đầu tư tại Việt Nam; Hoạt động thu thập và mua thông tin kinh tế có giá trị, các hoạt động vận động đối tác nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; Hoạt động tổ chức các sự kiện tại nước ngoài có tính chất không thường xuyên...

Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách, các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động chuyên môn đặc thù cụ thể (trong đó phải chi tiết theo từng nhiệm vụ cụ thể, hoặc đề án, dự án) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung, làm căn cứ xây dựng dự toán kinh phí tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan hữu quan, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí dự toán cho cơ quan hữu quan thực hiện.

Cơ quan hữu quan căn cứ dự toán được bố trí, căn cứ nhiệm vụ cần triển khai các hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành ở từng địa bàn, có văn bản thông báo đề nghị Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp bố trí cán bộ biệt phái thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đặc thù...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2012.

2. GIẢM 50% TIỀN THUÊ ĐẤT PHẢI NỘP NĂM 2011, 2012

Giảm 50% tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 cho các tổ chức kinh tế đang hoạt động trong các ngành sản xuất đang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm là chính sách vừa được Thủ tướng ban hành trong Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011.

Đối tượng được giảm tiền thuê đất là: Tổ chức kinh tế đến thời hạn xác định lại đơn giá thuê đất cho thời kỳ ổn định mới; hết thời gian được miễn tiền thuê đất mà đến thời hạn phải xác định tiền thuê đất phải nộp hoặc đã sử dụng đất trước ngày 01/03/2011 đang được tạm nộp tiền thuê đất mà từ ngày 01/03/2011 phải xác định chính thức số tiền thuê đất phải nộp.

Để được giảm 50% tiền thuê đất, tổ chức kinh tế phải sử dụng đất thuê đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật đất đai; có số tiền thuê đất xác định lại theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 tăng từ 02 lần trở lên so với tiền thuê đất phải nộp năm 2010 (với cùng mục đích sử dụng đất thuê và diện tích tính thu tiền thuê đất).

Tiền thuê đất sau khi được giảm theo quy định nêu trên không thấp hơn tiền thuê đất phải nộp năm 2010. Trường hợp tiền thuê đất sau khi được giảm vẫn lớn hơn 02 lần so với tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì tổ chức kinh tế được giảm tiếp tiền thuê đất của năm 2011, năm 2012 đến mức bằng 02 lần tiền thuê đất phải nộp của năm 2010.

Trong thời gian được cấp có thẩm quyền xem xét việc giảm tiền thuê đất, các tổ chức kinh tế được tạm nộp tiền thuê đất theo mức đã nộp năm 2010; sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định giảm tiền thuê đất (hoặc quyết định không giảm tiền thuê đất) sẽ nộp số còn thiếu (nếu có) và không bị phạt chậm nộp đối với số còn thiếu.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

3. HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH HỌC SINH, SINH VIÊN THUỘC DIỆN ĐƯỢC VAY VỐN

Ngày 24/11/2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 34/2011/T-BLĐTBXH bổ sung điểm c khoản 2 mục II Thông tư số 27/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2007 hướng dẫn quy trình xác nhận đối tượng được vay vốn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/09/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Cụ thể, đối với học sinh, sinh viên và gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học, căn cứ mức độ thiệt hại thực tế, UBND cấp xã xác nhận vào đơn xin vay vốn của hộ gia đình.

Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật được xác định là: Học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mà cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp đang hưởng trợ cấp thường xuyên phải có sổ trợ cấp hàng tháng do tổ chức Bảo hiểm xã hội cấp.

Học sinh, sinh viên mà cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là lao động tự do không tham gia Bảo hiểm xã hội bị tai nạn, bệnh tật mất khả năng lao động vĩnh viễn hoặc suy giảm khả năng lao động phải có chứng nhận tình trạng sức khỏe, bệnh tật của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải có xác nhận của UBND cấp xã là đối tượng được trợ cấp đột xuất hoặc được hỗ trợ lương thực cứu đói trong thời gian theo học.

Các bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2012.

4. HƯỚNG DẪN THỐNG KÊ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU

Ngày 21/11/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 168/2011/TT-BTC hướng dẫn thống kê Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cụ thể, thống kê Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là quá trình thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, công bố, lưu trữ, hợp tác và trao đổi thông tin về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện.

Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng theo hệ thống thương mại chung do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện; trong một số trường hợp để phục vụ cho nghiên cứu, so sánh và phân tích thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam có thể thực hiện theo hệ thống thương mại đặc biệt hoặc hệ thống thương mại đặc biệt mở rộng.

Phạm vi thống kê là toàn bộ hàng hóa đưa ra khỏi lãnh thổ hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam làm giảm đi hoặc tăng thêm nguồn vật chất của Việt Nam. Thời điểm thống kê là thời điểm cơ quan hải quan chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan; trị giá thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là trị giá do các tổ chức, cá nhân làm thống kê xây dựng phục vụ cho mục đích tổng hợp, báo cáo thống kê.

Cũng theo Thông tư này, thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được tổ chức thu thập, xử lý thông qua các khâu của quy trình nghiệp vụ hải quan...

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2012, thay thế Quyết định số 124/2003/QĐ-BTC ngày 01/08/2003.

5. ĐƠN VỊ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA KHÔNG PHẢI NỘP TIỀN THUÊ ĐẤT

Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 167/2011/TT-BTC ngày 18/11/2011 hướng dẫn công tác quản lý tài chính, giao kế hoạch, thanh toán vốn sự nghiệp kinh tế đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH1TV) thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các công ty TNHH1TV quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước giao vốn, tài sản và nhân lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy trình công nghệ, định mức kinh tế - kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty TNHH1TV quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt không phải nộp tiền thuê sử dụng đất đối với phần diện tích đất dùng để xây dựng tuyến đường sắt, bao gồm đất nền đường sắt, cầu, cống, kè, tường chắn, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện, phần đất trong hầm đường sắt, toàn bộ đất để xây dựng ga đường sắt...

Trường hợp Tổng công ty và công ty TNHH1TV quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt sử dụng diện tích đất đó vào kinh doanh dịch vụ thì phải trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

Các công ty kinh doanh vận tải đường sắt và công ty TNHH1TV quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm nộp vào ngân sách Trung ương toàn bộ khoản thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, khoản 20% tiền thu cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định và khoản tiền thu được do nhượng bán, thanh lý tài sản, vật tư thu hồi thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt sau khi trừ đi chi phí thu hồi.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2012, thay thế Thông tư số 136/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007.

6. NHÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN BT CÓ THỂ ĐƯỢC THANH TOÁN BẰNG DỰ ÁN KHÁC

Ngày 17/11/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 166/2011/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng chi phí chuẩn bị dự án và kinh phí hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình quản lý các dự án; một số chỉ tiêu tài chính của hợp đồng dự án; điều kiện và phương thức thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT; quyết toán giá trị công trình dự án BOT, BTO và BT.

Đối với các dự án BT, điều kiện thanh toán được quy định trong hợp đồng dự án; cơ quan Nhà nước có thể thanh toán cho nhà đầu tư 01 lần hoặc nhiều lần giá trị hợp đồng dự án nhưng thời điểm thanh toán lần đầu được thực hiện sau khi công trình BT hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao; giá trị lần thanh toán cuối cùng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng.

Đáng chú ý, nhà đầu tư có thể được thanh toán bằng dự án khác sau khi chuyển giao công trình đó cho Nhà nước; việc thanh toán được thực hiện qua nguyên tắc bù trừ giữa giá trị dự án BT và giá trị dự án khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chuyển giao cho nhà đầu tư.

Cũng theo Thông tư này, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cam kết góp vốn theo điều lệ của Doanh nghiệp dự án. Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính năm gần nhất của nhà đầu tư đã được kiểm toán độc lập kiểm toán.

Nhà đầu tư phải cam kết và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của số liệu, tài liệu liên quan đến vốn chủ sở hữu, danh mục các dự án đang thực hiện, phân bổ vốn chủ sở hữu cho các dự án đang thực hiện đến thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2012 và thay thế Thông tư số 149/2007/TT-BTC ngày 14/02/2007.

7. KHOẢN CHI TRÊN 5 TRIỆU ĐỒNG KHÔNG ĐƯỢC THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT

Khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thì các đơn vị giao dịch phải thanh toán bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trừ trường hợp khoản chi có giá trị nhỏ không vượt quá 05 triệu đồng đối với một khoản chi.

Đây là quy định mới được Bộ Tài chính ban hành trong Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Cụ thể, KBNN thực hiện thanh toán các khoản chi của đơn vị giao dịch theo nguyên tắc thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tại ngân hàng, trừ những trường hợp được phép chi bằng tiền mặt.

Đối với một số khoản thu bằng tiền mặt phát sinh tại đơn vị được quản lý qua ngân sách Nhà nước như thu học phí, viện phí... thì đơn vị được phép mở một tài khoản chuyên thu tại một ngân hàng thương mại và ủy nhiệm cho ngân hàng thương mại đó thu hộ. Tài khoản chuyên thu của các đơn vị mở tại ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng để tập trung các khoản thu học phí, viện phí... không được sử dụng để thanh toán hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012, thay thế Thông tư số 33/2006/TT-BTC ngày 17/04/2006; các quy định về quản lý thu, chi tiền mặt qua hệ thống KBNN trong các văn bản được ban hành trước đây trái với quy định tại Thông tư này không còn hiệu lực thi hành.

8. TỪ 10/1/2012, GIẤY BÁN, TẶNG XE PHẢI ĐƯỢC CHỨNG THỰC HOẶC CÔNG CHỨNG

Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có chứng thực hoặc công chứng theo quy định của pháp luật thay vì chỉ phải có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe hoặc có xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác như quy định trước đây.

Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư số 75/2011/TT-BCA ngày 17/11/2011 sửa đổi, bổ sung điểm 3.1.7 khoản 3 Điều 7 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2012.

9. KIỂM TRA CỦA BHXH PHẢI ĐƯỢC TIẾN HÀNH TẠI CÔNG SỞ, TRONG GIỜ HÀNH CHÍNH

Ngày 22/11/2011, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã ban hành Quyết định số 1313/QĐ-BHXH quy định công tác kiểm tra của BHXH.

Quyết định nêu rõ, khi làm việc với đối tượng kiểm tra hoặc xác minh, thu thập chứng cứ phải có ít nhất 02 thành viên trong đoàn kiểm tra và thực hiện tại công sở, trong giờ hành chính. Nội dung làm việc với đối tượng kiểm tra phải được ghi nhận bằng biên bản giữa các bên. Khi cần làm việc ngoài giờ phải được sự thống nhất của Trường đoàn kiểm tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân được kiểm tra.

Cũng theo Quyết định này, nghiêm cấm các đối tượng được kiểm tra có hành vi chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ kiểm tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho Đoàn kiểm tra; gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; đưa, môi giới hối lộ.

Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày người ra Quyết định kiểm tra xem xét cho ý kiến kết luận về cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải trình văn bản kết luận sau kiềm tra, quyết định thu hồi tiền, tài sản do vi phạm hoặc lập hồ sơ kèm theo văn bản kiến nghị đề người ra quyết định kiểm tra ký ban hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012 và thay thế Quyết định số 3892/QĐ-BHXH ngày 27/12/2006.


 

Đang truy cập: 7
Trong ngày: 181
Trong tuần: 878
Lượt truy cập: 1579653
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com