Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 1.      PHẢI CÔNG KHAI BÁO CÁO TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC

Ngày 14/03/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính Nhà nước; trong đó quy định báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc và tỉnh được lập theo kỳ kế toán năm được tính từ ngày 01/01 - 31/12 năm dương lịch.

Các đơn vị có nhiệm vụ lập báo cáo tài chính Nhà nước và các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ cung cấp thông tin để lập báo cáo bao gồm: Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước các cấp; Cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách Nhà nước các cấp; Cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp; Cơ quan Nhà nước, tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước; Cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; Đơn vị sự nghiệp công lập.

Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh UBND tỉnh và Bộ Tài chính phải công khai báo cáo tài chính Nhà nước tỉnh và báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày được báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Quốc hội.

Việc công khai báo cáo tài chính Nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức như phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên Cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nội dung công khai bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước; Nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; Tình hình lưu chuyển tiền tệ Nhà nước trên phạm vi tỉnh (với báo cáo tài chính Nhà nước tỉnh); Nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ Nhà nước trên phạm vi toàn quốc (với báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc)…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

Xuất nhập khẩu:

  1. 2.      TẠM NGỪNG NHẬP KHẨU GIA CẦM TỪ MỘT SỐ BANG CỦA MỸ

Ngày 10/03/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm từ Hoa Kỳ.

Theo đó, sẽ tạm ngừng nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ bang Wisconsin và Tennessee của Hoa Kỳ từ ngày 10/03/2017, do đang có dịch cúm gia cầm độc lực cao H7 và cúm gia cầm độc lực thấp H5N2.

Cục Thú y có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các lô hàng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ các bang đang có dịch cúm gia cầm nhưng đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Hoa Kỳ về Việt Nam trước ngày 10/03/2017 và thông báo chính thức cho cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ biết để phối hợp thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thương mại:

  1. 3.      NGHIÊM CẤM BÀY BÁN RƯỢU KHÔNG TEM, NHÃN MÁC

Nhằm giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc rượu gây ra và đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng, ngày 14/03/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chú trọng thanh tra, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn, quảng cáo và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh rượu, nhất là các cơ sở sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công. Đặc biệt, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; cập nhật bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu; đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu…

Y tế-Sức khỏe:

  1. 4.      QUY ĐỊNH VỀ HÓA TRỊ, XẠ TRỊ BAN NGÀY TẠI BỆNH VIỆN

Thông tư số 01/2017/TT-BYT quy định việc thực hiện hóa trị, xạ trị, hóa trị kết hợp xạ trị ban ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế ban hành ngày 06/03/2017; trong đó nêu rõ, thủ tục khám, chữa bệnh, quy trình chuyên môn kỹ thuật y tế, chi phí khám, chữa bệnh của phương pháp điều trị này được thực hiện theo quy định như đối với hình thức khám, chữa bệnh nội trú.

Việc chỉ định cho người bệnh được điều trị xạ trị, hóa trị và hóa - xạ trị ban ngày do bác sĩ điều trị quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý của người bệnh và chỉ áp dụng đối với bệnh nhân cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động. Trường hợp bệnh nhân không cư trú trên địa bàn, việc điều trị ban ngày chỉ được áp dụng đối với bệnh nhân tự nguyện xin điều trị; không áp dụng đối với bệnh nhân nghèo và cận nghèo.

Người bệnh hóa trị, xạ trị, hóa - xạ trị ban ngày được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng hàng ngày hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị. Các lần thăm khám hàng ngày trong thời gian điều trị không được tính tiền khám theo quy định. Trường hợp bệnh diễn biến nặng, bác sĩ điều trị quyết định chuyển người bệnh điều trị, theo dõi 24/24 giờ, lần thăm khám này được tính là 01 lần khám bệnh theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. ĐIỀU KIỆN LIÊN KẾT ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 15/03/2017 quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học; có hiệu lực từ ngày 01/05/2017.

Cụ thể, để được thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học, ngành đào tạo dự kiến liên kết của cơ sở giáo dục đại học phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương; các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực của địa phương đối với ngành đào tạo dự kiến liên kết.

Với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo, phải có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học và đã tuyển sinh tối thiểu 02 khoá đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo; đã công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm sau 12 tháng đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo của khoá tốt nghiệp gần nhất; không vi phạm các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo và các quy định khác có liên quan trong thời hạn 03 năm tính đến ngày thực hiện liên kết đào tạo; có đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo (với hình thức liên kết phối hợp đào tạo) hoặc có đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy 100% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo (với hình thức liên kết đặt lớp đào tạo).

Với cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo và cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo, phải có diện tích sàn xây dựng tối thiểu 02m2/sinh viên thuộc sở hữu của cơ sở đó... Đặc biệt, cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo chỉ được tham gia giảng dạy tối đa 30% nội dung chương trình đào tạo nếu cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo có yêu cầu, đồng thời phải bố trí cho giảng viên tham gia giảng dạy sinh hoạt chuyên môn với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo

  1. 6.      TUYỂN SINH ĐH HỆ TẠI CHỨC PHẢI THÔNG BÁO TRƯỚC 3 THÁNG

Quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 15/03/2017 tại Quyết định số 06/2017/TT-BGDĐT; trong đó yêu cầu các trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học phải công bố công khai thông báo tuyển sinh chậm nhất 03 tháng trước ngày tuyển sinh; trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh và địa điểm tổ chức tuyển sinh.

Để được thực hiện chương trình đào tạo vừa làm vừa học, ngoài yêu cầu nêu trên, các trường đại học còn phải đáp ứng một số điều kiện khác như: Đã xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo vừa làm vừa học; Có đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu thực hiện đồng thời các chương trình đào tạo chính quy và các chương trình đào tạo vừa làm vừa học; Đã ban hành Quy chế tuyển sinh vừa làm vừa học, Quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học…

Cũng theo Thông tư này, tháng 12 hàng năm, thủ trưởng cơ sở đào tạo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác đào tạo vừa làm vừa học của năm đó, bao gồm số liệu thực hiện kế hoạch tuyển sinh theo từng ngành đào tạo; số người học hiện có và số dự kiến tốt nghiệp năm sau; dự kiến số lần tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành đào tạo cho năm sau.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017.

Khoa học-Công nghệ:

  1. 7.      BỔ SUNG ĐƠN VỊ THỰC HIỆN THANH TRA CHUYÊN NGÀNH KHCN

Ngày 15/03/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành khoa học và công nghệ (KHCN).

Trong đó, đáng chú ý là quy định bổ sung cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KHCN. Cụ thể, từ ngày 15/03/2017, ngoài Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KHCN.

Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung quy định về bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành KHCN tại Chi cục. Cụ thể, bộ phận này do Chi cục trưởng phân công; có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra của Chi cục; giúp Chi cục trưởng triển khai các hoạt động thanh tra thuộc thẩm quyền; tham gia thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất khi được Chi cục trưởng giao…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Thông tin-Truyền thông:

  1. 8.      PHƯƠNG ÁN ỨNG CỨU KHẨN CẤP  BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG QUỐC GIA

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia tại Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16/03/2017.

Quy định nêu rõ, trong quá trình triển khai ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, khi được cơ quan thường trực yêu cầu, các cơ quan có chức năng thẩm quyền được trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ hoặc ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Đơn vị vận hành hệ thống thông tin phải báo cáo sự cố tới cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp, cơ quan điều phối quốc gia chậm nhất 05 ngày từ khi phát hiện sự cố; trường hợp xác định sự cố có thể vượt khả năng xử lý của mình, đơn vị vận hành hệ thống thông tin phải thực hiện quy trình báo cáo khẩn cấp ngay khi phát hiện sự cố hoặc khi xác định sự cố có thể vượt khả năng xử lý của mình. Hình thức báo cáo có thể bằng công văn, fax, thư điện tử, nhắn tin đa phương tiện hoặc thông qua hệ thống báo cáo, cảnh báo sự cố an toàn mạng quốc gia.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. 9.      ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN TƯ NHÂN, TỦ SÁCH DÒNG HỌ

Nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên…, ngày 15/03/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tại Đề án, Thủ tướng khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng có chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy vai trò của các doanh nghiệp và cơ sở khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm đối với phát triển văn hóa đọc; đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học; hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực trong hệ thống thư viện tư nhân và loại hình tủ sách; bổ sung tiêu chí về tủ sách gia đình thành tiêu chuẩn xét công nhận gia đình văn hóa…

Dự kiến đến năm 2020, 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; 20% - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15% - 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành; 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

10. HÀ NỘI BAN HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ NƠI CÔNG CỘNG

Với mục đích từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nơi công cộng, xây dựng TP. Hà Nội văn minh, hiện đại, ngày 10/03/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội tại Quyết định số 1665/QĐ-UBND.

Cụ thể, người dân không được chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; không treo, đặt biển hiệu quảng cáo trái phép; không tự ý thay đổi hiện trạng vỉa hè, lòng đường; không viết, vẽ, dán quảng cáo, leo trèo lên tượng đài và công trình; không bày, bán hàng nơi không được phép; không được xâm hại cảnh quan, không gian tín ngưỡng tôn giáo; không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm tại nơi tín ngưỡng; giữ gìn trật tự, hạn chế dùng điện thoại di động tại bảo tàng, thư viện…

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn, không được nói sai, cân đong gian dối và mua bán hàng giả, kém chất lượng, hàng độc hại, phi pháp… Tại nhà ga, bến xe, phải xếp hàng mua vé đúng quy định; không mua, bán hàng rong; không bày biện, ăn uống, ngủ, nghỉ tùy tiện; không tranh giành khách, đón xe, trả khách trái quy định…

UBND TP. Hà Nội yêu cầu các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, học tập trên địa bàn phải có trách nhiệm thực hiện Quy tắc ứng xử nêu trên. Các tổ chức, cá nhân vi phạm, tùy mức độ, sẽ bị nhở nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách:

11. NĂM 2017, GIẢI QUYẾT CĂN BẢN HỒ SƠ XÁC NHẬN NGƯỜI CÓ CÔNG CÒN TỒN ĐỌNG

Ngày 20/03/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, với mục tiêu trong năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ.

Theo Quy trình, năm 2017 sẽ giải quyết đối với hồ sơ đã lập trước ngày 01/07/2013 nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; hồ sơ đang lưu trữ tại cơ quan lao động - thương binh và xã hội, công an, quân đội cấp tỉnh trở lên. Không xem xét giải quyết đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng.

Do tính chất quan trọng, phức tạp của việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu: Đối với tỉnh, thành phố có từ 50 hồ sơ trở lên thì chọn một số huyện để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra phạm vi toàn tỉnh, thành phố; Đối với tỉnh, thành phố có từ 10 đến 50 hồ sơ thì Tổ công tác liên ngành trực tiếp phối hợp với địa phương để triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố; Đối với tỉnh, thành phố có dưới 10 hồ sơ thì giao cho địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Cơ cấu tổ chức:

12. THAY ĐỔI CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ NGOẠI GIAO

Ngày 14/03/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao với một số điều chỉnh nhất định về cơ cấu tổ chức của cơ quan này.

Cụ thể, Nghị định đã bỏ Cục Phục vụ ngoại giao đoàn ra khỏi cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao; như vậy, Bộ Ngoại giao chỉ còn 31 đơn vị, thay vì 32 đơn vị như trước đây. Bên cạnh đó, Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO được đổi tên thành Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO; Vụ Tây Á - Châu Phi được đổi thành Vụ Trung Đông - Châu Phi.

Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, có 25 đơn vị là các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, như: Vụ ASEAN; Vụ Châu Âu; Vụ Châu Mỹ; Vụ Đông Bắc Á; Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương; Vụ Trung Đông - Châu Phi…; 06 đơn vị còn lại như: Học viện Ngoại giao; Báo Thế giới và Việt Nam; Trung tâm Thông tin; Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia… là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.

Bộ Ngoại giao được quy định là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia; Công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; Quản lý các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hoạt động chung của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; Quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế Nghị định số 58/2013/NĐ-CP ngày 11/06/2013.


 

Đang truy cập: 13
Trong ngày: 66
Trong tuần: 788
Lượt truy cập: 1579524
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com