Đầu tư:

  1. 1.      KHÔNG BỐ TRÍ KẾ HOẠCH VỐN CHO DỰ ÁN GIẢI NGÂN DƯỚI 30%

Trước tình trạng nhiều dự án có vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp còn triển khai chậm, kéo dài dẫn đến công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư năm 2017 đạt giá trị thấp, ngày 05/04/2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư năm 2017.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, sớm khởi công công trình; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

Đồng thời nhấn mạnh, sẽ điều chuyển vốn sang dự án khác trong trường hợp các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 đến ngày 30/09/2017; kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2018 cho các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn đầu tư công tại thời điểm ngày 30/09/2017. Với các dự án đã được kéo dài thời gian thực hiện nhưng đến hết ngày 31/10/2017 vẫn không giải ngân hết số vốn bố trí, nếu không có lý do khách quan cụ thể, kiên quyết cắt giảm số vốn không giải ngân hết để điều chuyển, bổ sung thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước chưa có nguồn để thu hồi.

Các chủ đầu tư phải kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chủ động đề xuất, báo cáo điều chuyển khối lượng thi công của các nhà thầu có nguy cơ chậm tiến độ cho các nhà thầu khác thực hiện…

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 2.      HƯỚNG DẪN KHẤU HAO TÀI SẢN LÀ NHÀ VỪA SỬ DỤNG VỪA BÁN

Ngày 12/04/2017, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 28/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 và Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Thông tư này quy định, đối với tài sản là nhà hỗn hợp vừa dùng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa dùng để bán hoặc cho thuê thì doanh nghiệp phải xác định và hạch toán riêng phần giá trị của nhà hỗn hợp theo từng mục đích sử dụng.

Cụ thể, với diện tích dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và dùng để cho thuê, doanh nghiệp thực hiện ghi nhận giá trị của diện tích này là tài sản cố định, quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản theo quy định. Đối với phần diện tích dùng để bán thì doanh nghiệp không được hạch toán là tài sản cố định và không được trích khấu hao, chỉ theo dõi như một tài sản để bán.

Trường hợp doanh nghiệp có nhà hỗn hợp mà không xác định tách riêng phần diện tích phục vụ hoạt động kinh doanh và để bán, cho thuê thì doanh nghiệp không hạch toán toàn bộ phần diện tích này là tài sản cố định và không được trích khấu hao theo quy định.

Đối với tài sản được dùng chung liên quan đến công trình nhà hỗn hợp như sân chơi, đường đi, nhà để xe, việc xác định giá trị của từng loại tài sản và giá trị khấu hao các tài sản dùng chung cũng được phân bổ theo tiêu thức để xác định giá trị từng loại tài sản và phân bổ khấu hao nhà hỗn hợp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26/05/2017; áp dụng từ năm tài chính 2016.

Xây dựng:

  1. 3.      SỬ DỤNG TRO, XỈ, THẠCH CAO LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm diện tích làm bãi chứa, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/04/2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Đề án chỉ rõ, trước tháng 06/2019, cơ bản hoàn thiện các công nghệ xử lý và ứng dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách theo quy định để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng.

Các dự án đầu tư xử lý tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Nhà nước như đối với các dự án xử lý chất thải rắn; các sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước phục vụ cho dây chuyền thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng được hưởng chính sách ưu đãi như đối với dự án cơ khí trọng điểm. Đặc biệt, các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng có tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG nếu các vật liệu, sản phẩm này bảo đảm hiệu quả kinh tế, kỹ thuật tương đương như đối với các vật liệu khác.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020, xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy (khoảng 75 triệu tấn).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thương mại:

  1. 4.      QUY ĐỊNH VỀ GHI NHÃN HÀNG HÓA

Có hiệu lực từ ngày 01/06/2017, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa phải ghi nhãn cho hàng hóa, trừ một số hàng hóa như: Bất động sản; Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, tài sản di chuyển; Hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người dùng; Hàng hóa đã qua sử dụng; Hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa; Hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu xây dựng, phế liệu không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng…

Trong đó, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. Cụ thể, với nhóm hàng hóa là lương thực, nhãn hàng hóa bắt buộc phải có định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có); với rượu, phải có định lượng, hàm lượng etanol, hạn sử dụng (nếu có), hướng dẫn bảo quản (đối với rượu vang), thông tin cảnh báo (nếu có), mã nhận diện lô (nếu có); đối với thuốc lá, thông tin bắt buộc trên nhãn bao gồm định lượng, ngày sản xuất, thông tin cảnh báo, hạn sử dụng và mã số, mã vạch…

Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nhãn phụ cũng được sử dụng với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường, đồng thời, phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.

Riêng với nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa được sản xuất, in ấn trước ngày 01/06/2017 vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 01/06/2019.

Giao thông:

  1. 5.      XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM ATGT DỊP LỄ 30/4 - 1/5

Ngày 11/04/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 503/CĐ-TTg về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5; trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ hành khách, nhất là trên các tuyến kết nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và các đầu mối giao thông lớn… Tăng cường xử lý hành vi chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định, gây ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí đường bộ.

Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: Vi phạm quy định nồng độ cồn, vi phạm quy định tốc độ; đi sai làn đường, phần đường, tránh, vượt sai quy định; không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy và có phương án phòng, chống, cương quyết xử lý hành vi đua xe mô tô, ô tô trái phép.

Các đơn vị, địa phương còn có trách nhiệm thông báo số điện thoại đường dây nóng về vận tải và bảo đảm an toàn giao thông trên phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân về an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ; đồng thời chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố về giao thông.

An ninh trật tự:

  1. 6.      TĂNG THỜI LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRÊN BÁO, ĐÀI

Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/04/2017, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống ma túy.

Cụ thể, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức phòng, chống ma túy; Số vụ phạm tội sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ mức độ nghiêm trọng trở lên được phát hiện, xử lý tăng hơn 5% so với năm trước; triệt xóa từ 5 - 10% số điểm, tụ điểm mỗi năm trên phạm vi toàn quốc; triệt phá 100% diện tích trồng cây có chứa chất ma túy được phát hiện…

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình nhấn mạnh tới giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống ma túy. Theo đó, tăng thời lượng và đa đạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trên phương tiện thông tin đại chúng; Kết hợp các hình thức tuyên truyền qua phương tiện truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp, trong đó chú ý tới vai trò của tổ chức, cá nhân có uy tín, ảnh hưởng…

Ngoài ra, có chính sách đãi ngộ thích đáng, động viên, khuyến khích việc tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy của các cá nhân, tổ chức và cả hệ thống chính trị. Áp dụng hiệu quả của khoa học kỹ thuật vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Chính sách:

  1. 7.      KHÔNG MUA BẮT BUỘC 0 ĐỒNG VỚI NGÂN HÀNG YẾU KÉM

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 36/NQ-CP ngày 15/04/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 04/2017.

Cụ thể, từ nay Nhà nước sẽ không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, sẽ ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho tổ chức tín dụng có năng lực tài chính tốt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần có quy định về miễn phí thi hành án, miễn thuế, phí về chuyển nhượng tài sản trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, bán toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; có cơ chế ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ của bên được bảo đảm trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế của bên bảo đảm để hỗ trợ xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam…

Về miễn trách nhiệm với người tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, cần quy định chặt chẽ theo hướng chỉ được miễn trách nhiệm khi phương án cơ cấu lại không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan và những người này đã làm hết trách nhiệm của mình. Trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định…

Công nghiệp:

  1. 8.      GIÁ MUA ĐIỆN MẶT TRỜI LÀ 2.086 ĐỒNG/KWH

Đây là nội dung nổi bật của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/04/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (dự án điện mặt trời được hiểu là dự án sản xuất điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời theo nguyên lý biến đổi từ quang năng thành điện năng).

Theo đó, với dự án nối lưới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Giá bán này được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố và chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.

Với dự án trên mái nhà, thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng hệ thống công tơ hai chiều; trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Kết thúc năm hoặc kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá như dự án nối lưới.

Cũng theo Quyết định này, dự án điện mặt trời được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi. Cụ thể, dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo chính sách đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Về đất đai, các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định hiện hành áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2017 đến ngày 30/06/2019.

  1. 9.      LOẠI BỎ, DỪNG CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN KHÔNG ĐẢM BẢO AN TOÀN

Ngày 07/04/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước và chấp hành quy định của pháp luật về thủy điện.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp rà soát quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống của người dân, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tăng cường công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình thủy điện; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng của địa phương trong việc quản lý chất lượng công trình, thẩm định phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa; kiểm tra duy trì điều kiện cấp phép hoạt động điện lực với chủ đầu tư công trình thủy điện, có hình thức xử lý nghiêm với chủ đầu tư không thực hiện trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Các chủ đập điện có trách nhiệm thực hiện việc lắp đặt thiết bị và tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng, thủy văn lưu vực hồ chứa để chủ động trong công tác vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình, cho vùng hạ du và phát điện hiệu quả; xây dựng hoặc bổ sung các phương án phòng chống lụt, bão bảo đảm an toàn đập; thực hiện việc trồng rừng thay thế theo đúng quy định của pháp luật…

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

10. VỨT XÁC ĐỘNG VẬT RA MÔI TRƯỜNG BỊ PHẠT ĐẾN 3 TRIỆU ĐỒNG

Nội dung này được quy định tại Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/04/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Cụ thể, từ ngày 20/05/2017, mức phạt đối với hành vi vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng; xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường là 02 - 03 triệu đồng, trong khi mức phạt theo quy định cũ là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng. Đặc biệt, cũng từ thời điểm này, chủ vật nuôi không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi sẽ bị phạt từ 02 - 03 triệu đồng…

Nghị định cũng chỉ rõ, hành vi đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ và vào sản phẩm động vật làm mất vệ sinh thú y bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng; trong khi mức phạt cũ chỉ từ 05 - 06 triệu đồng; mức phạt tiền này cũng được áp dụng với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong sản xuất, gia công, kinh doanh mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có sử dụng loại kháng sinh không đúng quy định là từ 20 - 30 triệu đồng; từ 50 - 70 triệu đồng với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; trường hợp sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mức phạt vẫn giữ nguyên từ 50 - 70 triệu đồng.

Nghị định này thay thế Nghị định số 40/2015/NĐ-CP ngày 27/04/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017.

Tư pháp-Hộ tịch:

11. TÒA ÁN NHÂN DÂN HÀ NỘI, TP.HCM CÓ TỐI ĐA 4 PHÓ CHÁNH ÁN

Ngày 12/04/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 663/QĐ-TANDTC về số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phó đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được có tối đa 03 Phó Chánh án; riêng với Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, được có tối đa 04 Phó Chánh án. Với Tòa án nhân dân tỉnh có số lượng biên chế dưới 50 người, số lượng Phó Chánh án không quá 02 người; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chánh án là đại biểu Quốc hội được bổ sung thêm 01 Phó Chánh án.

Đối với Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, số lượng Phó Chánh án tối đa là 02 người; Tòa án nhân dân quận thuộc TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được có tối đa 03 người; riêng với Tòa án nhân dân huyện có số lượng biên chế dưới 10 người, số lượng Phó Chánh án là 01 người. Trường hợp đặc biệt, do nhu cầu công tác, việc bổ sung số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phó với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 58
Trong ngày: 166
Trong tuần: 874
Lượt truy cập: 1579638
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com