Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. TỪ 1/7, TĂNG LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI THÊM 7,44%

Ngày 30/06/2017, Chính phủ đã ra Nghị định số 76/2017/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.

Nghị định chỉ rõ, từ ngày 01/07/2017, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 06/2017 đối với: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; Cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/08/2017.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. LÃI SUẤT TÁI CẤP VỐN GIẢM CÒN 6,25%/NĂM

Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng đã được cơ quan này quy định mới tại Quyết định số 1424/QĐ-NHNN ngày 07/07/2017.

Cụ thể, từ ngày 10/07/2017, lãi suất tái cấp vốn được quy định là 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng được ấn định là 7,25%/năm. So với quy định cũ, các mức lãi suất này đều đồng loạt giảm 0,25%/năm.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/07/2017; thay thế Quyết định số 496/QĐ-NHNN ngày 17/03/2014.

  1. GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY NGẮN HẠN BẰNG ĐỒNG VIỆT NAM

Từ ngày 10/07/2017, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 sẽ được áp dụng theo Quyết định số 1425/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 7,5%/năm. Trước đây, mức lãi suất này được quy định lần lượt là 7%/năm và 8%/năm.

Quyết định này được ban hành ngày 07/07/2017 và có hiệu lực từ ngày 10/07/2017; thay thế Quyết định số 277/QĐ-NHNN ngày 03/03/2017.

  1. QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Ngày 05/07/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 06/2017/TT-NHNN  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/03/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ tín dụng nhân dân.

Hoạt động cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư này. Theo đó, Quỹ tín dụng nhân dân cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên, có tiền gửi tại Quỹ tín dụng nhân dân trên cơ sở bảo đảm bằng sổ tiền gửi do chính Quỹ tín dụng nhân dân phát hành. Tổng số tiền cho vay không được vượt quá số dư của sổ tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của sổ tiền gửi.

Quỹ tín dụng nhân dân cho vay đối với thành viên thuộc hộ nghèo có đăng ký thường trú trên địa bàn hoạt động của Quỹ trong trường hợp hộ nghèo không phải là thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp nhiều thành viên thuộc hộ nghèo cùng vay vốn thì các thành viên của hộ nghèo cùng ký hoặc ủy quyền cho một thành viên đại diện ký thỏa thuận cho vay với Quỹ tín dụng nhân dân. Hộ nghèo phải được UBND cấp huyện phê duyệt.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/09/2017.

  1. SỬA ĐỔI THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP NGÂN HÀNG

Tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 04/07/2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ đã sửa đổi một số thủ tục trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, với thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần; cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cấp Giấy phép thành lập ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam…, sửa đổi mẫu Sơ yếu lý lịch, mẫu Danh sách cổ đông góp vốn thành lập ngân hàng, mẫu đơn mua cổ phần đối với cá nhân và tổ chức theo hướng lược bỏ yêu cầu về các thông tin thuộc 15 trường thông tin cá nhân có thể khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ giữ lại thông tin về họ tên, nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký); bổ sung nội dung cung cấp số định danh cá nhân.

Riêng với thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần, không còn áp dụng thành phần hồ sơ “Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo vốn góp của tổ chức tại ngân hàng” đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật và người đại diện vốn góp là công dân Việt Nam.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

Y tế-Sức khỏe:

  1. TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI

Trong những năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và tác động tiêu cực đến xã hội. Trước tình trạng này, ngày 06/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

Tại Chỉ thị,Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại. Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn. Mọi trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại cần được xử lý nghiêm.

Đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại triệt để trên đàn chó; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi theo đúng quy định. Công khai các hộ nuôi chó nhưng không chấp hành quy định về tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi.

Ngoài ra, sẽ công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn

  1. SỬA ĐỔI THÔNG TIN TRÊN GIẤY KHÁM SỨC KHỎE

Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế đã được Chính phủ ban hành ngày 06/07/2017.

Theo Nghị quyết này, trên Giấy khám sức khỏe định kỳ; Giấy khám sức khỏe định kỳ của người lái xe; Giấy khám sức khỏe cho người chưa đủ 18 tuổi…, sẽ có các thông tin “Họ, chữ đệm và tên khai sinh”, “Số định danh cá nhân” và “Nơi thường trú”, thay cho các thông tin như: “Họ và tên”; “Giới tính”; “Số chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu”; “Chỗ ở hiện tại” được quy định trước đây.

Tương tự, với thủ tục đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và thủ tục đề nghị thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, thay thế những thông tin về công  dân bằng các thông tin Họ, chữ đệm và tên khai sinh”, “Số định danh cá nhân” và “Nơi thường trú” trên Đơn đề nghị thực hiện kỹ thuật.

Với thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là lương y, bỏ yêu cầu xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú trong Sơ yếu lý lịch của người làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận; đồng thời, ban hành mẫu Sơ yếu lý lịch mới, trong đó thay thế những thông tin về công dân bằng các thông tin “Họ, chữ đệm và tên khai sinh”, “Số định danh cá nhân” và “Nơi thường trú”.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. PHÒNG KHÁM TƯ NHÂN PHẢI CÔNG KHAI GIÁ KHÁM, CHỮA BỆNH

Ngày 04/07/2017, Bộ Y tế đã ra Chỉ thị số 04/CT-BYT về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, nhằm chấn chỉnh hoạt động này trên toàn quốc, đảm bảo cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh.

Tại Chỉ thị này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn công khai trên trang thông điện tử của cơ sở và tại cơ sở khám, chữa bệnh các thông tin về: Giấy phép hoạt động (phạm vi chuyên môn và thời gian hoạt động); Danh sách, văn bằng chuyên môn và phạm vi hoạt động chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn và người hành nghề khám, chữa bệnh; Giá dịch vụ khám, chữa bệnh; Tên và địa chỉ cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp để người dân biết và phản ánh.

Đồng thời, các Sở Y tế phải tăng cường quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thông qua việc đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi chuyên môn cho phép. Đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, danh sách và phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề tại các cơ sở này để người dân tiện tìm hiểu thông tin trước khi khám, chữa bệnh.

Các Sở Y tế cũng có trách nhiệm công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để người dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm. Khuyến khích người dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân để thông báo cho Sở Y tế và chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

An ninh trật tự:

  1. BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ TẠI CỬA KHẨU CẢNG

Ngày 03/07/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng, bao gồm cửa khẩu cảng biển và cửa khẩu cảng thủy nội địa.

Nghị định này chỉ rõ, người Việt Nam xuống tàu thuyền nước ngoài (trừ cán bộ cơ quan Nhà nước chuyên ngành tại cảng thực hiện nhiệm vụ hoặc nhân viên y tế xuống tàu thuyền nước ngoài để cấp cứu thuyền viên, hành khách); người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài, tàu thuyền Việt Nam để làm việc, thực hiện các hoạt động trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cửa khẩu cảng phải có Giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp; đồng thời, phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.

Người Việt Nam, người nước ngoài không được phép xuống, rời tàu thuyền trước và trong khi tàu thuyền làm thủ tục nhập cảnh, chuyển cảng đến, trong và sau khi tàu thuyền làm thủ tục xuất cảnh, chuyển cảng đi, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan Nhà nước chuyên ngành và nhân viên y tế.

Đối với tàu thuyền thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, ngay sau khi tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng, người Việt Nam, người nước ngoài có liên quan được phép xuống, rời tàu thuyền để thực hiện các hoạt động phục vụ bốc dỡ hàng hóa và các hoạt động theo chương trình, kế hoạch cho đến khi tàu thuyền rời cảng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/08/2017.

Chính sách:

  1. NĂM 2018, PHẤN ĐẤU GDP ĐẠT 6,4% - 6,8%

Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 đã được Chính phủ ban hành ngày 05/07/2017, trong đó nhấn mạnh tới mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,4% - 6,8% vào năm 2018. 

Về định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Chỉ thị nêu rõ, nghiên cứu sửa đổi chính sách về đất đai để khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh cơ giới hóa; Xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng, chế biến thủy sản; Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển để góp phần tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu năm 2020 có 01 triệu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…

Về xây dựng dự toán ngân sách, Chỉ thị yêu cầu rà soát, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm, gắn với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy; Giảm tần suất và thắt chặt các khoản chi lễ hội, hội họp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; Mở rộng thực hiện khoán xe công…

  1. BỘ NỘI VỤ GIÚP CHÍNH PHỦ QUẢN LÝ VỀ THANH NIÊN

Đây là nhiệm vụ mới được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ tại Nghị định số 78/2017/NĐ-CP ngày 03/07/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/07/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên.

Cụ thể, thay vì chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với thanh niên có tài năng trong các cơ quan Nhà nước như trước dây, từ ngày 20/08/2017, Bộ Nội vụ sẽ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về thanh niên; Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, đề án, dự án đối với thanh niên; Hướng dẫn nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên cho các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh; Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên… 

Cũng tại Nghị định này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ hướng dẫn về giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên hàng năm và từng giai đoạn; Ban hành chương trình, đề án, dự án cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện cho thanh niên theo từng giai đoạn; Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ tư vấn về lao động, việc làm, định hướng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề cho thanh niên…

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ để khuyến khích, tạo điều kiện thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; Huy động các nguồn lực hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do thanh niên đề xuất…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/08/2017.

Hành chính:

  1. BỎ THỦ TỤC CẤP GIẤY XÁC NHẬN TÌNH TRẠNG HÔN NHÂN

Đây là một trong những nội dung nằm trong phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp đã được Chính phủ thông qua ngày 04/07/2017 tại Nghị quyết số 58/NQ-CP.

Cụ thể, trong lĩnh vực hộ tịch, Chính phủ thống nhất bãi bỏ thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, do đó, khi đăng ký kết hôn, không còn phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Với thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài, bỏ quy định về xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em. 

Trong lĩnh vực quốc tịch, bãi bỏ hoàn toàn thủ tục Thông báo có quốc tịch nước ngoài. Trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam, không còn phải nộp các giấy tờ như bản sao Giấy khai sinh hoặc Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam, không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ tùy thân của người liên quan đến người xin quốc tịch và Giấy chứng nhận kết hôn của người xin nhập quốc tịch với công dân Việt Nam (nếu có)…

Trong lĩnh vực chứng thực, bỏ quy định người yêu cầu chứng thực nộp bản sao giấy tờ tùy thân đối với các thủ tục như: Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản; Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản là động sản; Chứng thực di chúc; Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản là quyền sử dụng đất, nhà ở;…

Ngoài ra, Nghị quyết còn bãi bỏ nhiều thủ tục, giấy tờ thuộc các lĩnh vực khác như: Lĩnh vực nuôi con nuôi; Lĩnh vực thi hành án dân sự; Lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm;  Lĩnh vực bồi thường Nhà nước…

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 04/07/2017.

Hình sự:

  1. TỪ 1/1/2018, BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 CHÍNH THỨC CÓ HIỆU LỰC

Rất nhiều nội dung đáng chú ý được thể hiện tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.

Nghị quyết này quy định, từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015); Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH15; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018. Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt,giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được công bố, tiếp tục thực hiện quy định không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp nêu trên nhưng chưa thi hành án và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân…

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 05/07/2017.

Công nghiệp:

  1. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Trong thời gian gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố, buôn bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), tiền chất thuốc nổ (TCTN) gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Do đó, ngày 05/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tổ chức thực hiện nghiêm quy định về thẩm định, thẩm tra, hậu kiểm khi cấp các loại Giấy phép, Giấy chứng nhận liên quan đến VLNCN, TCTN; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên cả nước, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động VLNCN; Tổng hợp các sự cố, tai nạn liên quan đến VLNCN, TCTN, phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục;…

Bộ Công an có trách nhiệm tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy, nổ trên địa bàn có hoạt động VLNCN, TCTN; Điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp mất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép VLNCN, TCTN; Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra truy tố, xét xử một số vụ điển hình nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa kịp thời;…

Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn doanh nghiệp phương án bảo quản VLNCN, TCTN chưa sử dụng, thu hồi theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan cấp phép thu hồi ngay Giấy phép sử dụng VLNCN đối với các doanh nghiệp để mất VLNCN,

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. BÃI BỎ 14 VĂN BẢN CỦA THỦ TƯỚNG TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

Ngày 07/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 30/2017/QĐ-TTg về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cụ thể, Quyết định bãi bỏ 11 văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định số 251/2000/QĐ-TTg về việc bổ sung, sửa đổi thủ tục thanh toán vốn cho việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg về việc rà soát, quy hoạch lại 03 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất); Quyết định số 146/2005/QĐ-TTg về chính sách thu hồi đất sản xuất của các nông trường, lâm trường để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh; Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đồng thời, bãi bỏ 03 Thông tư hướng dẫn một số Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm có: Thông tư số 47/2001/TT-BNN-CS hướng dẫn thực hiện Quyết định số 141/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2001/QĐ-TTg; Thông tư số 56/2005/TT-BNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2001/TT-NN-CS; Thông tư số 17/2006/TT-BNN về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg… 

Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/08/2017


 

Đang truy cập: 54
Trong ngày: 108
Trong tuần: 829
Lượt truy cập: 1579570
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com