Doanh nghiệp:

  1. CỔ PHẦN HÓA 127 DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2017 – 2020

Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn 991/TTg-ĐMDN ngày 10/07/2017. 

Theo đó, năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, trong đó có: Tổng công ty Thuốc lá - Công ty mẹ, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam,…; Năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp gồm: Tổng công ty Viễn thôngMobiFone, Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC,…; Năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Công ty mẹ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Công ty mẹ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ,…; Năm 2020 cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên thủy sản Hạ Long.

  1. PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP SCIC

Ngày 10/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2020.

Theo đó, việc sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC nhằm tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, nhằm đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn Nhà nước; Thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Theo phương án này, đến năm 2020, SCIC sẽ thực hiện cổ phần hóa và bán vốn tại 05 doanh nghiệp; tiếp tục đầu tư, nắm giữ 02 doanh nghiệp; bán vốn Nhà nước tại 132 doanh nghiệp; xử lý theo phương thức đặc thù tại 03 doanh nghiệp và chủ động bán vốn tại 04 doanh nghiệp khác.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. NĂM 2018: PHẤN ĐẤU TỶ LỆ HUY ĐỘNG VÀO NSNN KHOẢNG 21%/GDP

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư số 71/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm 2018 - 2020, ban hành ngày 13/07/2017.

Cụ thể, Thông tư yêu cầu dự toán thu NSNN năm 2018 được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ thu NSNN hiện hành. Mọi khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ vào cân đối NSNN; đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2017, dự báo các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2018 có tính đến các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế;…

Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN năm 2018 khoảng 21%/GDP. Loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách, dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu xổ số kiến thiết) bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 12 - 14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017 và dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 05 - 07% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017. 

Về lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018 - 2020, Thông tư chỉ rõ, kế hoạch thu NSNN 03 năm 2018 - 2020 được lập trên cơ sở dự kiến dự toán thu NSNN năm 2018 và mức tăng trưởng thu dự kiến cho năm 2019, năm 2020. Phấn đấu năm 2019, năm 2020 tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN so với GDP bình quân xấp xỉ 21%/năm; loại trừ yếu tố thay đổi chính sách, thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 - 15%/năm, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân 05 - 07%/năm.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/08/2017.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. GẦN 100 TTHC LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG THỰC HIỆN QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

Ngày 10/07/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1667/QĐ-BTNMT về việc công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện và không thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Quyết định, 96 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc các lĩnh vực như: Đất đai; Môi trường; Địa chất và Khoáng sản; Tài nguyên nước; Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; Đo đạc và bản đồ; Biển và hải đảo; Viễn thám và một số lĩnh vực tổng hợp. Trong đó, có thể kể đến một số thủ tục hành chính như giải quyết tranh chấp đất đai; Cung cấp dữ liệu đất đai; Cấp/gia hạn Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường; Cấp/gia hạn Giấy phép thăm dò khoáng sản; Cấp lại Giấy phép tài nguyên nước…

Ngoài ra, Quyết định cũng nêu tên 32 thủ tục hành chính không thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó có: Đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại; Phê duyệt trữ lượng khoáng sản; Giao nộp, thu nhận dữ liệu về địa chất, khoáng sản; Thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết; Cấp/gia hạn Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; Cấp giấy phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam…

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. ĐỊNH MỨC GIÁO VIÊN TẠI TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÔNG LẬP

Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn Danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 12/07/2017.

Theo Thông tư này, ở cấp tiểu học, trường dạy 01 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 giáo viên/01 lớp; Trường dạy học 02 buổi trong ngày, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên/01 lớp. Ngoài định mức trên, mỗi trường được bố trí 01 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Ở cấp trung học cơ sở, mỗi trường trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,90 giáo viên/01 lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,20 giáo viên/01 lớp. Ngoài định mức trên, mỗi trường được bố trí 01 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Đối với cấp trung học phổ thông, mỗi trường được bố trí tối đa 2,25 giáo viên/01 lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,40 giáo viên/01 lớp; Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,10 giáo viên/01 lớp.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 28/08/2017; thay thế Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/08/2006 và Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008.

Chính sách:

  1. SẮP CÔNG BỐ VỀ ĐỘ AN TOÀN CỦA HẢI SẢN TẦNG ĐÁY 4 TỈNH MIỀN TRUNG

Tại Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 11/07/2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 06 năm 2017, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế công bố rộng rãi cho nhân dân về mức độ an toàn hải sản tầng đáy biển của 04 tỉnh miền Trung trong tháng 08/2017. Đồng thời, tăng cường phòng chống dịch theo mùa, nhất là dịch sốt xuất huyết. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của ngành và hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng phương án hành động cụ thể của ngành và hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020…

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xử lý mã độc, sự cố mất an toàn thông tin; phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng mạng xã hội đưa tin sai sự thật…

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất nâng chế độ bồi dưỡng, nâng mức chi sinh hoạt phí đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; sửa đổi danh mục các trang thiết bị chuyên dùng phù hợp để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ngoài ra, Chính phủ cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với Cách mạng giai đoạn 2.

  1. PHÁT SÓNG THÔNG ĐIỆP VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM

Trước tình hình các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và tai nạn đuối nước trẻ em đang được cộng đồng xã hội rất quan tâm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2735/LĐTBXH-TE ngày 04/07/2017 về việc đề nghị phát sóng thông điệp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em.

Theo đó, nhằm nâng cao nhận thức và kịp thời phổ biến kiến thức cho gia đình, xã hội về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thực hiện 02 thông điệp về phòng, chống đuối nước trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, với thời lượng gần 60 giây/thông điệp.

Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh giao Đài phát thanh và truyền hình địa phương phát sóng miễn phí 02 thông điệp này trên các kênh của Đài vào khung giờ phù hợp để nâng cao hiệu quả truyền thông trong toàn xã hội.

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. TIÊU CHUẨN CHUYÊN GIA GIÁM ĐỊNH CỔ VẬT

Ngày 05/07/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật; có hiệu lực từ ngày 25/08/2017.

Cụ thể, chuyên gia giám định cổ vật phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự, không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học, địa chất; Có ít nhất 05 năm trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, bảo quản, tu sửa cổ vật, thẩm định tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa và khoa học tự nhiên có liên quan; Có ít nhất 03 bài báo khoa học về cổ vật được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tham gia biên soạn sách chuyên khảo về cổ vật đã được xuất bản.

Hoặc, chuyên gia giám định cổ vật phải là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo quy định ở trên; có nhất 10 năm thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật.

Hình sự:

  1. HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

Ngày 12/07/2017, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã ban hành Công văn số 148/TANDTC-PC về việc triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội.

Tại Công văn này, TAND tối cao yêu cầu TAND, Tòa án quân sự các cấp và các đơn vị khác có liên quan thuộc TAND tối cao thực hiện rà soát các vụ án hình sự mà Tòa án, đơn vị mình đang thụ lý, giải quyết; nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì tiếp tục thực hiện việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, đình chỉ vụ án…

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao có trách nhiệm tham mưu cho Chánh án TAND tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn” và các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Học viện Tòa án biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; tổ chức giảng dạy, tập huấn về các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, cần phản ánh kịp thời những ý kiến, vướng mắc liên quan.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. LĨNH VỰC ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ TRONG NÔNG NGHIỆP

Thông tư số 14/2017/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 05/07/2017.

Thông tư này chỉ rõ, các lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và Dự án dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, Dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn có: Công trình hoặc hạng mục công trình thuộc hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc kết hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đời sống dân sinh; Công trình hoặc hạng mục công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn; Công trình kho dự trữ, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; Công trình thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải, ô nhiễm môi trường nông thôn…

Thông tư này có hiệu lực ngày 22/08/2017.


 

Đang truy cập: 32
Trong ngày: 86
Trong tuần: 808
Lượt truy cập: 1579545
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com