Đầu tư:

  1. ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Nhằm phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 thuộc tất cả các nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/08/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2017 và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án đối với dự án cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các dự án đã đấu thầu và giá trị đấu thầu đạt trên 90%, các dự án có khối lượng hoàn thành trên 90%, các dự án hoàn thành đã bàn giao đưa vào sử dụng… Cho phép các dự án nhóm A đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư và được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng phần vốn đầu tư của Nhà nước thì không phải thực hiện quy trình, thủ tục phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư…

Các chủ đầu tư cần phải khẩn trương triển khai thực hiện dự án sau khi nhận được chi tiết kế hoạch vốn năm 2017; chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng… Đồng thời, trong 04 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, chủ đầu tư phải làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng.

Xuất nhập khẩu:

  1. ĐIỆN THOẠI, MÁY TÍNH ĐƯỢC ƯU TIÊN NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Đây là nội dung nằm trong Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/08/2017.

Cụ thể, các mặt hàng được ưu tiên tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh theo Đề án này là các mặt hàng đang và sẽ có lợi thế xuất khẩu nằm trong nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong đó có: Gạo; cà phê, cao su; thủy sản; hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm chế biến từ sắn; rau quả; chè; mật ong; dệt may, giày dép; đồ gỗ; valy, túi xách, ô dù; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và  linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Đề án này đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 12 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2015; Mỗi năm có ít nhất 100 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 200 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. QUY ĐỊNH VỀ TẠM NHẬP, TÁI XUẤT HÀNG HÓA

Thông tư số 11/2017/TT-BCT quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 28/07/2017.

Theo đó, hàng hóa được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý Nhà nước. Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới do UBND tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Thông tư cũng quy định, hàng hóa tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ cửa khẩu tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra nước ngoài; Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định.

Hàng thực phẩm đông lạnh, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa đã qua sử dụng không được phép chuyển loại hình từ kinh doanh tạm nhập, tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.

Thông tư này có hiệu lực ngày 11/09/2017.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. NỘI DUNG, TRÌNH TỰ GIÁM SÁT NGÂN HÀNG

Ngày 01/08/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng.

Nội dung giám sát ngân hàng bao gồm: Thu thập, tổng hợp và xử lý số liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát; Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; Phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ hệ thống của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động, các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; Kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát.

Việc giám sát ngân hàng được thực hiện qua 04 bước: Thu thập, tổng hợp, xử lý và lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu; Phân tích, đánh giá về đối tượng giám sát theo hình thức giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô; Đề xuất các hành động can thiệp, chỉnh sửa như khuyến nghị, cảnh báo, xử phạt hành chính hoặc kiến nghị các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng khác; Giám sát sau thanh tra khi nhận được kết luận thanh tra về đối tượng giám sát ngân hàng từ đơn vị thực hiện thanh tra ngân hàng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

  1. GIÁM SÁT TIÊU HỦY TIỀN KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN LƯU THÔNG

Ngày 31/07/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-NHNN quy định về giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành và tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng.

Thông tư quy định, việc giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành được thực hiện từ khâu kiểm đếm chọn mẫu đến khi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành được cắt hủy thành phế liệu. Trong khi đó, việc giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng được thực hiện từ khâu giao nhận từ kho của các cơ sở in, đúc tiền đến kho của Hội đồng tiêu hủy tiền cho đến khi tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng được cắt và hủy thành phế liệu.

Đặc biệt, trong quá trình tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khi vào, ra khu vực tiêu hủy phải thực hiện đeo thẻ, mặc trang phục không túi và các trang bị bảo hộ lao động; không mang theo tài sản cá nhân vào nơi làm việc. Đối với những trường hợp không có nhiệm vụ thực hiện công tác tiêu hủy, nếu vào, ra phải được sự cho phép bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; thay thế Thông tư số 29/2012/TT-NHNN ngày 16/10/2012.

  1. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐẶC THÙ VỚI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Ngày 29/07/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải phòng, nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo điều kiện để Thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại…

Nghị định chỉ rõ, Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định; mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách Nhà nước hàng năm.

Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư mang tính chất phục vụ cấp vùng trên địa bàn Thành phố và các dự án lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Đồng thời, Thành phố được Chính phủ ưu tiên huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng; được ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án đối tác công tư trên địa bàn.

Nghị định này có hiệu lực ngày 15/09/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

Y tế-Sức khỏe:

  1. TRẺ EM ĐƯỢC TƯ VẤN, HỖ TRỢ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN

Tại Thông tư số 33/2017/TT-BYT ngày 01/08/2017, Bộ Y tế đã quy định cụ thể về việc tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi.

Theo đó, tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, trẻ em sẽ được tư vấn cụ thể và phù hợp về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cụ thể: Từ 0 - 6 tuổi, trẻ em được tư vấn cách chăm sóc và vệ sinh cơ quan sinh dục; phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em; giáo dục giới tính; các bất thường ở cơ quan sinh dục. Từ 7 - 13 tuổi, trẻ được biết thêm về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý theo độ tuổi, giới tính; khuynh hướng tình dục. Từ 14 - 16 tuổi, trẻ được giáo dục cách phòng tránh các bệnh phụ khoa, nam khoa; phòng tránh thai ngoài ý muốn; các biện pháp tránh thai phù hợp; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn và kỹ năng thương thuyết, từ chối, xác định giá trị bản thân.

Thông tư quy định cơ sở thực hiện tư vấn, hỗ trợ trẻ em gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về nhi, sản phụ khoa; Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm y tế huyện; Cơ sở tiêm chủng; Trạm y tế xã; Y tế trường học… Việc tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phải đảm bảo nguyên tắc: Tôn trọng, chia sẻ, đồng cảm với trẻ em; Phù hợp với độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe của trẻ em; Phù hợp với năng lực và điều kiện của cơ sở tư vấn, hỗ trợ
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

  1. ĐẾN 2020, GIẢM 30% HỌC SINH MẮC CẬN THỊ, BÉO PHÌ

Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/07/2017.

Với tổng kinh phí khoảng 19.380 tỷ đồng, Chương trình này tập trung thực hiện 08 dự án thành phần, gồm có: Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến; Tiêm chủng mở rộng; Dân số và phát triển; An toàn thực phẩm; Phòng, chống HIV/AIDS; Bảo đảm máu an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học; Quân dân y kết hợp; Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình và truyền thông y tế.

Với các dự án nêu trên, Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2020, giảm ít nhất 30% tỷ lệ mắc mới các bệnh tật ở trẻ mầm non, học sinh phổ thông như cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân, béo phì, bệnh răng miệng so với tỷ lệ mắc mới năm 2015; Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi hàng năm được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%; Tối thiểu 50% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Vi phạm hành chính:

  1. NGÂM, TẨM HÓA CHẤT VÀO THỊT ĐỘNG VẬT BỊ PHẠT ĐẾN 25 TRIỆU ĐỒNG

Từ ngày 15/09/2017, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/07/2017.

Nghị định này quy định, phạt từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi ngâm, tẩm hóa chất vào sản phẩm động vật; phạt từ 15 - 20 triệu đồng với hành vi giết mổ động vật, thu hoạch động vật thủy sản dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn sử dụng hoặc hành vi đưa nước, các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ. Với hành vi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y; Giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh, mức phạt được quy định từ 25 - 30 triệu đồng.

Đồng thời, hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền bị phạt từ 30 - 35 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định, phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/09/2017.

Công nghiệp:

  1. GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC CÓ THỜI HẠN TỐI ĐA 20 NĂM

Thông tư số 12/2017/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 31/07/2017, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và xuất, nhập khẩu điện.

Theo Thông tư này, thời hạn tối đa của giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực là 05 năm; giấy phép phân phối điện; bán buôn điện, bán lẻ điện và xuất, nhập khẩu điện đều có thời hạn tối đa 10 năm; giấy phép truyền tải điện có thời hạn tối đa 20 năm. Riêng giấy phép phát điện, thời hạn tối đa là 20 năm đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; 10 năm đối với các nhà máy điện còn lại.

Thông tư cũng quy định cụ thể về 04 trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, gồm: Phát điện để tự sử dụng, không bán cho tổ chức, cá nhân khác; Phát điện có công suất lắp đặt dưới 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; Kinh doanh điện tại nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA; Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/09/2017.

Thi đua-Khen thưởng:

  1. NGƯỜI NHẬN BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG ĐƯỢC THƯỞNG 3,5 LẦN LƯƠNG CƠ SỞ

Nội dung này được nêu tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng do Chính phủ ban hành ngày 31/07/2017.

Cụ thể, Nghị định này quy định, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng được thưởng 3,5 lần mức lương cơ sở; Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được thưởng 1,0  lần mức lương cơ sở. Đối với tập thể, mức thưởng gấp hai lần mức thưởng đối với cá nhân.

Cũng theo Nghị định, bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tặng 15,5 lần mức lương cơ sở. Cá nhân được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động được thưởng 15,5 lần mức lương cơ sở. Trường hợp cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân nhân dân, mức thưởng là 12,5 lần mức lương cơ sở; với Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ nhân ưu tú, mức thưởng là 9,0 lần mức lương cơ sở.

Người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật được tặng thưởng 270 lần mức lương cơ sở; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được tặng thưởng 170 lần mức lương cơ sở.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2017


 

Đang truy cập: 16
Trong ngày: 69
Trong tuần: 791
Lượt truy cập: 1579527
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com