1. 28 thủ tục về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng bị bãi bỏ

Bộ Y tế vừa ra Quyết định 2318/QĐ-BYT công bố thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành/bị bãi bỏ lĩnh vực an toàn thực phẩm và dinh dưỡng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ này.

Theo đó, có 28 TTHC lĩnh vực an toàn thực phẩm, dinh dưỡng bị bãi bỏ, trong đó có:

- Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ;

- Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng;

- Cấp lại giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế;

- Cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức quảng cáo thông qua hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố 10 TTHC mới ban hành thuộc phạm vi quản lý của Bộ, trong đó có: Xác nhận nội dung quảng cáo đối thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…

Quyết định này được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 06/04/2018.

  1. Khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tại TP. HCM

Khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tại TP. Hồ Chí Minh vừa được UBND Thành phố công bố tại Quyết định 11/2018/QĐ-UBND ngày 31/03/2018.

Cụ thể:

- Đối với nhà chung cư không có thang máy, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tối thiểu là 500 đồng/mthông thủy/tháng - 3.000 đồng/m2 thông thủy/tháng.

- Đối với nhà chung cư có thang máy, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tối thiểu là 1.500 đồng/m2 thông thủy/tháng - 6.000 đồng/m2 thông thủy/tháng.

Mức giá nêu trên chưa bao gồm các dịch vụ gia tăng (tắm hơi, bể bơi, internet, sân tennis, truyền hình cáp hoặc các dịch vụ gia tăng khác) và cũng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện thu kinh phí từ chủ sở hữu, người sử dụng chung cư hàng tháng theo mức:

Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư x Phần diện tích sử dụng căn hộ hoặc diện tích khác không phải căn hộ trong nhà chung cư.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.

  1. Giáo viên dành 3-5 phút để nhắc nhở học sinh đề phòng đuối nước

Đây là yêu cầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Công văn 1281/BGDĐT-GDTC ngày 04/04/2018 về việc tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh, sinh viên dịp hè năm 2018.

Cụ thể, đối với các trường phổ thông, hàng ngày giáo viên dành 3-5 phút các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để quán xuyến, nhắc nhở khuyến cáo các em trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tự ý hoặc rủ nhau tăm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phối hợp kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước và tổ chức cảnh báo kịp thời. Xử lý, khắc phục, giải quyết khi có sự việc xảy ra và kịp thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

  1. Bộ Y tế lên tiếng về việc thiếu vắc xin phòng dại

Ngày 06/04/2018, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn 6195/QLD-KD về việc đảm bảo cung ứng vắc xin phòng bệnh dại.

Theo khẳng định của Cục tại Công văn này, hiện nay trên trên thị trường có 02 loại vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam là Verorab và Abhayrab. Thời điểm hiện tại, vắc xin phòng bệnh dại vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị tiêm chủng.

Các đơn vị tiêm chủng cũng đã thông báo vắc xin phòng bệnh dại đủ để cung ứng cho nhu cầu tiêm phòng của nhân dân.

Cục Quản lý Dược cũng cho biết thêm, để đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin phòng dại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở cung ứng và các đơn vị sử dụng vắc xin để có kế hoạch nhập khẩu, dự trữ vắc xin hợp lý. Nếu phát hiện thiếu cục bộ vắc xin dại cần thông báo đến Cục để sớm xem xét nguyên nhân, điều đạo điều phối và cung ứng kịp thời.

  1. Những trường hợp người lao động được khởi kiện tại Tòa án

Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2018 của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp… người lao động có quyền khởi kiện vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc thủ tục tố tụng hành chính.

Người lao động có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự trong 03 trường hợp: Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;  Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.

Người lao động có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính trong 02 trường hợp: Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Đã hết thời hạn mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.

  1. Sẽ có ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Kế hoạch triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của ngành Giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Quyết định 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/03/2018.

Theo Kế hoạch này, trong giai đoạn 2018 - 2020, thí điểm xây dựng 03 mô hình trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tại 03 khu vực; giai đoạn 2021 - 2025, hình thành ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong cả nước trên cơ sở sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường, tạo không gian dùng chung cho sinh viên; thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp phù hợp với nhóm ngành đào tạo.

Bộ cũng cho biết thêm, hàng năm sẽ tổ chức chuỗi sự kiện ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh sinh viên trong toàn quốc; đồng thời, các trường có thể xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn, phù hợp với thực tiễn.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng

Ngày 09/04/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 50/2018/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Riêng về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như:

- Thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; chủ động phối hợp phát hiện hành vi tham nhũng; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; đôn đốc xử lý người có hành vi tham nhũng;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng; tổng hợp, đánh giá dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 29/05/2018.

  1. Thủ tướng ra Chỉ thị hỏa tốc về quản lý Bitcoin và các loại tiền ảo

Ngày 11/04/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng nhận định hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và rủi ro rất lớn cho người tham gia.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Không thực hiện giao dịch tiền ảo trái pháp luật

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; Tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan đến tiền ảo; Phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc dùng đảo tiền ảo

Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; Hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Đồng thời, Bộ này có trách nhiệm nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo.

Kịp thời xử lý vi phạm liên quan đến đầu tư tiền ảo

Bộ Công an được giao trách nhiệm phát hiện kịp thời, xử lý kịp thời các vi phạm liên quan đến hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.

Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc người dân tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin…

  1. Bãi bỏ Quyết định sửa đổi mức hỗ trợ phát triển sản xuất

Ngày 10/04/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 387/QĐ-TTg về việc bãi bỏ Quyết định số 2621/QĐ-TTg năm 2013 sửa đổi một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

Đối với các hợp đồng tín dụng do các ngân hàng đã ký với khách hàng thuộc đối tượng ưu đãi tại Quyết định 2621 trước thời điểm ngày 10/04/2018 thì tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc hợp đồng theo cơ chế ưu đãi của Quyết định 2621.

Ngân sách Nhà nước bố trí cấp bù cho các ngân hàng để tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết nêu trên cho đến khi hợp đồng được tất toán. Quy định thực hiện cấp bù tiếp tục được áp dụng theo Thông tư 199/2009/TT-BTC.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Đầu tư hơn 8.500 tỷ mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình

Tại Quyết định 389/QĐ-TTg ngày 11/04/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Tổng mức đầu tư sơ bộ Dự án là 8.596,203 tỷ đồng. Dự án do tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư, vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là khoảng 30% tổng vốn đầu tư; còn lại là vốn vay tín dụng ưu đãi sử dụng cho chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và vốn vay thương mại. Dự kiến đưa công trình vào vận hành năm 2022 - 2023.

Dự án có quy mô công suất lắp máy là 480 MW với 02 tổ máy. Điện lượng trung bình hàng năm là 479,0 triệu kWh/năm vào mùa lũ và tăng khả năng huy động điện năng giờ cao điểm của nhà máy điện Hòa Bình hiện hữu vào mùa khô khoảng 264,4 triệu kWh/năm.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Kế toán được hưởng phụ cấp trách nhiệm hàng tháng

Thông tin này được Bộ Nội vụ công bố tại Thông tư 04/2018/TT-BNV ngày 27/03/2018 hướng dẫn thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, phụ cấp trách nhiệm công việc của kế toán trưởng, người phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước.

Theo đó, người được bổ nhiệm làm kế toán trong đơn vị chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; trong đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hàng tháng 0,1 so với mức lương cơ sở.

Kế toán trưởng tại Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan; cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hàng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở.

Thông tư này được có hiệu lực từ ngày 15/05/2018.

  1. Hà Nội: Mỗi thí sinh có hai nguyện vọng vào lớp 10 công lập

Ngày 06/04/2018, UBND TP. Hà Nội đã chính thức ra Quyết định 1696/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm 2018 của Hà Nội.

Kết hợp thi tuyển với xét tuyển

Theo Kế hoạch, Hà Nội tổ chức phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, trong đó: Điểm xét tuyển = Điểm THCS + Điểm thi (hệ số 2) + Điểm cộng thêm.

Việc xét tuyển căn cứ vào kết quả rèn luyện và học tập của học sinh ở trung học cơ sở; Việc thi tuyển sẽ bao gồm hai môn: Ngữ văn và Toán với hình thức tự luận, đề thi nằm chủ yếu trong chương trình lớp 9.

Hà Nội chỉ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập; Thời gian thi: Ngày 07/06/2018, buổi sáng thi môn Ngữ văn và buổi chiều thi Toán.

Mỗi thí sinh có hai nguyện vọng vào lớp 10 công lập

Mỗi thí sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào hai trường THPT công lập cùng một khu vực tuyển sinh; không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây.

Ngoài ra, học sinh có thể dự tuyển tại các trường THPT ngoài công lập hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên bằng phương thức xét tuyển.

Nộp hồ sơ nhập học từ ngày 1/7 - 3/7

Cũng theo Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm 2018 Hà Nội, học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT từ ngày 1/7 - 3/7; sau ngày 3/7, những trường tuyển còn thiếu so với chỉ tiêu giao được tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu từ ngày 5/7 đến ngày 6/7.

Học sinh đã trúng tuyển vào trường THPT công lập phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Trường hợp đặc biệt phát sinh cần phải chuyển trường, phải được Giám đốc Sở GDĐT cho phép.

  1. Hà Nội sẽ thí điểm chuỗi cửa hàng không người bán

Kế hoạch 84/KH-UBND phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2018 đã được UBND Thành phố ban hành.

Theo Kế hoạch này, Hà Nội sẽ thí điểm vận hành chuỗi cửa hàng tự động (không người bán, sử dụng mô hình Online 2 Offline, sử dụng mã QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa). Tổ chức vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội… để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nội địa và xuất khẩu, xuyên biên giới. Khuyến khích thiết lập ứng dụng/website chuyên doanh thực phẩm an toàn trên môi trường mạng.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong năm 2018, 66% dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến; giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử hàng năm; 85% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước… chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

  1. Xét tuyển ĐH,CĐ: Thí sinh được thay đổi nguyện vọng 1 lần

Ngày 26/03/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kèm theo Quyết định 1160/QĐ-BGDĐT 01 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.

Cụ thể, công bố thủ tục đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy mới được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT ngày 01/03/2018.

Theo thủ tục mới, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 01 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi.

Các trường/nhóm trường điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định; quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức; công bố kết quả trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng khác.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/04/2018.


 

Đang truy cập: 3
Trong ngày: 77
Trong tuần: 277
Lượt truy cập: 1561602
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com